Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Gửi em ở cuối sông Hồng
Phan Chu Trinh EmptyFri Feb 17, 2023 8:01 am by Vân Nhi

» Tôi đi học
Phan Chu Trinh EmptySat Sep 07, 2019 4:23 pm by Vân Nhi

» Trần Hưng Đạo
Phan Chu Trinh EmptyWed Jun 06, 2018 4:53 pm by Vân Nhi

» Huyền Chi
Phan Chu Trinh EmptyMon Jun 04, 2018 4:35 pm by Vân Nhi

» Guitar đường phố: đỉnh của đỉnh
Phan Chu Trinh EmptyTue May 29, 2018 7:45 am by Vân Nhi

» Quan Âm Thị Kính
Phan Chu Trinh EmptyFri May 25, 2018 2:02 pm by Vân Nhi

» Thanh Tịnh
Phan Chu Trinh EmptyMon May 21, 2018 3:25 pm by Vân Nhi

» Thuyền viễn xứ
Phan Chu Trinh EmptyThu May 03, 2018 2:19 pm by Vân Nhi

» Xuân Tâm
Phan Chu Trinh EmptyThu Jul 06, 2017 1:49 pm by Vân Nhi

November 2024
MonTueWedThuFriSatSun
    123
45678910
11121314151617
18192021222324
252627282930 
CalendarCalendar
Most Viewed Topics
Lý Bạch
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Vũ Hoàng Chương
Chế Lan Viên
Bùi Giáng
Nguyễn Khuyến
Đại Nam Quốc Sử diễn ca
Đoạn Trường Tân Thanh
Trần Tế Xương
Quách Tấn
Keywords
Khuyến xuân Luật công nhau khuất đoạn dũng nhất Chỉnh nguyễn những thầy thảm Lược nhân trường miền Đường Pháp Trần Phong Liên phan Xương Trọng

 

 Phan Chu Trinh

Go down 
Tác giảThông điệp
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptySat Nov 05, 2011 9:01 am

PHAN CHU TRINH
(1872 - 1926)

Phan Chu Trinh Phanch10
Phan Chu Trinh 潘周楨 (Nhâm Thân 1872 - Bính Dần 1926), hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 ở làng Tây Lộc, huyện Tiên Phước, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn Tây Hồ, xã Tam Lộc, thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam).

Cha ông là Phan Văn Bình giữ một chức võ quan nhỏ, sau năm 1885 theo phong trào Cần Vương trong tỉnh, làm chuyển vận sứ phụ trách việc quân lương. Sau khi kinh thành Huế thất thủ (1885), ông theo cha, tập luyện võ nghệ, bắn cung, cưỡi ngựa.

Năm cha mất, Phan Chu Trinh mới 16 tuổi, gia đình phải dựa vào sự lo liệu của người anh cả. Năm 1892, ông đi học, bạn cùng học là Huỳnh Thúc Kháng kém ông 4 tuổi. Ông nổi tiếng học giỏi.

Năm 1900, Phan Chu Trinh đỗ cử nhân; năm sau (1901), ông đỗ phó bảng. Năm 1902, ông vào học trường Hậu bổ, rồi ra làm quan với chức quan Thừa biện bộ Lễ. Tại triều đình, ông được chứng kiến cảnh mục nát hủ bại của quan trường, nên sinh ra chán nản, có khi vài tháng không đến cơ quan. Nhưng chính vào thời gian đó, ông giao du với nhiều người có tư tưởng canh tân như Thân Trọng Huề, Đào Nguyên Phổ, Vũ Phạm Hàm..., được đọc Thiên hạ đại thế luận của Nguyễn Lộ Trạch, Tân thư giới thiệu tư tưởng duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, tư tưởng dân quyền của Rousseau, Montesquieu..., phong trào Duy Tân ở Nhật Bản, cách mạng ở Pháp, Mỹ.

Tháng 7-1904, Phan Chu Trinh gặp Phan Bội Châu, hai người trở thành đôi bạn tâm đắc. Cuối năm đó, lấy cớ phải chăm lo việc thờ phụng tổ tiên thay anh cả đã mất, ông cáo quan về quê. Từ đó, ông dốc lòng vào công cuộc cứu nước.

Mặc dù rất đau xót trước cảnh người Pháp ngược đãi người Việt Nam, quan điểm của ông trước mắt chưa nên đặt nhiệm vụ khôi phục chủ quyền quốc gia, độc lập dân tộc, mà nhiệm vụ cấp bách là phải:

- Chấn dân khí: thức tỉnh tinh thần tự lực tự cường, mọi người giác ngộ được quyền lợi của mình, giải thoát được nọc độc chuyên chế.

- Khai dân trí: bỏ lối học tầm chương trích cú, mở trường dạy chữ Quốc ngữ, kiến thức khoa học thực dụng, bài trừ hủ tục xa hoa.

- Hậu dân sinh: phát triển kinh tế, cho dân khai hoang làm vườn, lập hội buôn, sản xuất hàng nội hóa...

Phan Chu Trinh yêu cầu chính quyền thuộc địa sửa đổi chính sách cai trị hiện hành để có thể giúp nhân dân Việt Nam từng bước tiến đến văn minh. Ông đề cao phương châm "Tự lực khai hóa", vận động những người cùng chí hướng thức tỉnh dân chúng, tuyên truyền tư tưởng dân quyền.

Với phương châm đó, Phan Chu Trình cùng Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp đi khắp tỉnh Quảng Nam và các tỉnh phía nam (đến Phan Thiết). Ông lại một mình ra bắc, lên tận căn cứ Phồn Xương (Yên Thế, Bắc Giang) tìm gặp Hoàng Hoa Thám.

Năm 1906, nghe tin Phan Bội Châu lại mới lên đường xuất dương cùng Cường Để, ông cũng ra nước ngoài, định sang Nhật Bản tham gia. Nhưng đến nhà Lưu Vĩnh Phúc tại Quảng Đông, ông đã gặp Phan Bội Châu đang ở đấy. Hơn 10 ngày ở Quảng Đông, hai ông cùng nhau bàn bạc việc nước.

Sau đó, ông cùng Phan Bội Châu và Cường Để lên đường sang Nhật Bản. Ông tham quan các trường học, khảo cứu tình hình giáo dục, chính trị của Nhật Bản. Phan Chu Trinh rất hoan nghênh việc Phan Bội Châu đã vận động được một số học sinh ra nước ngoài học tập và phổ biến những tài liệu tuyên truyền giáo dục quốc dân trong nước. Song, ông phản đối chủ trương bạo động và tư tưởng quân chủ muốn dựa vào ngôi vua của Phan Bội Châu.

Về nước, sau một thời gian, ông gửi cho Toàn quyền Paul Beau một bức thư dài đề ngày 15-8-1906.

Trong thư, Phan Chu Trinh chỉ trích Chính phủ Pháp không lo mở mang khai thác hóa cho dân mà chỉ lo thu thuế cho nhiều, do đó dân đã khổ càng khổ hơn.

Ông đề nghị chính phủ Đông Dương nên thay đổi thái độ đối với sĩ dân nước Nam, cải tổ mọi chính sách cai trị.

Trong bức thư ông tỏ ra quá tin vào truyền thống cũ của cách mạng Pháp và lòng tốt của thực dân Pháp. Có đoạn có những lời lẽ có phần nghiệt ngã, cứng nhắc đối với chủ trương bạo động và phong trào đấu tranh vũ trang của dân tộc. Mặt khác, Phan Chu Trinh còn phê phán đánh giá trình độ của nhân dân ta quá kém, để từ đó dẫn đến mức không tin cậy vào khả năng cách mạng của nhân dân.

Mặc dù vậy, bức thư một khi được công bố đã gây tiếng vang lớn trong nhân dân, công khai nói lên tâm trạng bất mãn của dân chúng và khẳng định quyết tâm cải biến hiện trạng của đất nước.

Tháng 7-1907, Phan Chu Trinh ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe. Ông mở rộng giao du với cả một số người Pháp.

Đầu tháng 3-1908, cuộc nổi dậy đòi giảm sưu thuế của nông dân bùng nổ tại Quảng Nam, rồi lan ra các tỉnh. Khâm sứ Trung Kỳ nhờ Thống sứ Bắc Kỳ cho bắt Phan Chu Trinh tại Hà Nội ngày 31-3, sau đó giải về Huế giao cho Nam triều giam giữ. Hội đồng xét xử gồm các quan lại Nam triều, có Khâm sứ Trung Kỳ ngồi dự đã kết án chém. Nhưng do sự can thiệp kịp thời của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Liên minh nhân quyền tại Hà Nội, Phan Chu Trinh chỉ bị đày đi Côn Đảo.

Đầu mùa hè năm 1910, Thống đốc Nam Kỳ theo lệnh của Toàn quyền Đông Dương ra Côn Đảo thẩm vấn riêng Phan Chu Trinh.

Tháng 8 năm đó, ông được đưa về đất liền. Tại Sài Gòn, một hội đồng xử lại bản án được thiết lập, ông được "ân xá", nhưng buộc phải xuống ở Mỹ Tho để quản thúc. Sau đó ông viết thuwư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho. Vì vậy, nhân dịp có nghị định ngày 31-10-1908 của Chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, Phan Chu Trinh cùng con trai là Phan Châu Dật đi theo đoàn này. Sang tới Pháp, ông tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Nhiều Việt kiều tại Pháp cũng đến với Phan Chu Trinh. Phan Chu Trinh cùng với Phan Văn Trường đã lập Hội đồng bào thân ái gồm những Việt kiều gắn bó với quê hương.

Ông viết bản điều trần về cuộc đấu tranh chống sưu thuế năm 1908 ở miền trung Việt Nam gửi Liên minh nhân quyền.

Cũng trong thời gian này, ông viết Pháp - Việt liên hiệp hậu chi Tân Việt Nam, cho rằng không thể nhìn Việt Nam một cách cô lập mà phải đặt trong mối quan hệ với thế giới, trước nhất là với các nước mạnh và với nước Pháp, cũng như không thể chỉ nhìn hiện tại mà phải nhìn lại lịch sử đã qua và phải tìm hiểu xu thế phát triển sắp tới, tạo nên cách nhìn cả thời lẫn thế.

Trong những năm sống ở thủ đô Pháp, ông làm nghề sửa ảnh, sống thanh bạch. Năm 1926, ông về nước và mất ở Sài Gòn.

Phan Chu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là một nhà nho yêu nước chân chính, có nhiều suy nghĩ tiến bộ. Có thể khẳng định rằng ông là người có tư tưởng dân chủ sớm nhất trong số các nhà nho yêu nước tiến bộ đầu thế kỷ. Tuy nhiên, Phan Chu Trinh coi dân chủ còn cấp bách hơn độc lập và tưởng rằng có thể dùng luật pháp, cách cai trị có quy củ theo kiểu Âu Mỹ - dù là do thực dân nắm giữ - để quét sạch những hủ bại của phong kiến. Sai lầm chính của ông chính là ảo tưởng về chế độ dân chủ tư sản, về những khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái của nước Pháp.

Dân chủ vốn không phải là một phần thưởng có thể ban phát. Nếu nhân dân không có nhân cách thì sao xứng đáng có quyền dân chủ? Lấy ai mà giành quyền dân chủ? Đại đa số nhân dân ta nhiệt tình yêu nước, sẵn sàng "đem máu đổi lấy quyền tự do" (Phan Bội Châu), đó chính là điểm căn bản của nhân cách Việt Nam.

Phan Chu Trinh rất sắc sảo nhìn ra yêu cầu dân chủ hóa đất nước, nhưng ông cũng không có điều kiện suy nghĩ kỹ càng về các chủ trương dân chủ hóa. Trong tư tưởng dân chủ của Phan Chu Trinh những thiếu sót quan trọng mà ông không nhận ra không chỉ ở chỗ Phan Bội Châu nói: "Nước không còn nữa thì chủ cái gì".

Song với tinh thần yêu nước nồng nhiệt, suốt đời gắn bó với vận mệnh đất nước, với cuộc sống sôi nổi, sóng gió, gian khổ và thanh bạch, ông xứng đáng để hậu thế ngưỡng mộ.


Tác phẩm:


Ðầu Pháp chính phủ thư (1906)

Hợp quần doanh sinh thuyết quốc âm tự (1907)

Tây Hồ thi tập (tập hợp thơ làm trong nhiều năm)

Tuồng Trưng Nữ Vương (soạn chung với Huỳnh Thúc Kháng và Phan thúc Duyên năm 1910)

Trung Kỳ dân biến tụng oan thủy mạt ký (1911)

Santé thi tập (gồm hơn 200 bài thơ, soạn trong tù tại Pháp, 1915)

Thư thất điều (thư vạch 7 tội của vua Khải Định, 1922)

Giai nhân kỳ ngộ diễn ca (hồm hơn 7.000 câu thơ lục bát, soạn 1912-1913)

Tỉnh quốc hồn ca I, II (phần I, làm khi ở Việt Nam (1907), phần II, làm khi sang Pháp (1922). Đây là thơ hiệu triệu, thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh, đề cao dân quyền)

Bức thư trả lời cho người học trò tên Ðông (1925)

Đông Dương chính trị luận (1925)

Ngoài ra, ông còn có các bài diễn thuyết về Đạo đức và luân lý Đông Tây, Quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa, một số thơ (không nằm trong Tây Hồ thi tập) và câu đối chữ Hán ông làm từ 1902 - 1912...



Nguồn internet

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 8:31 am

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 8:36 am

Đập đá Côn Lôn - 1


Làm trai đứng giữa đất Côn Lôn,

Lừng lẫy làm cho lở núi non.

Xách búa đánh tan năm bảy đống,

Ra tay đập bể mấy trăm hòn.

Tháng ngày bao quản thân sành sỏi,

Mưa nắng chi sờn dạ sắt son.

Những kẻ vá trời khi lỡ bước,

Gian nan nào xá sự con con.




Phan Chu Trinh

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 8:37 am

Đập đá Côn Lôn - 2


Biển dâu dời đổi mấy thu đông,

Cụm núi Côn Lôn đứng vững trồng,

Bốn mặt dày vò oai sóng gió,

Một mình che chở tội non sông.

Cỏ hoa đất nảy cây trăm thức,

Rồng cá trời riêng biển một vùng.

Nước biếc non xanh thương chăng nhẽ!

Gian nan xin hộ khách anh hùng.




Phan Chu Trinh

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 8:43 am

Cảm tác


Gió tố mưa giông đổ lộn phèo,

Trời già chi nỡ thắt khi eo.

Ngẫm mùi trung hiếu nên cay đắng,

Giở túi văn chương đã mốc meo.

Bợm điếm lăng xăng lo chợ cháy,

Con hoang lơ lửng khóc cha nghèo.

Non cao bể rộng mênh mông cả,

Mặc sức bơi chơi mặc sức chèo.




Phan Chu Trinh

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 8:55 am

Vô đề [*]


Nguyên văn chữ Hán:

縲綏鐵鎖出都門,
慷慨悲歌舌尚存。
國土沉淪民族纍,
男兒何事怕崑崙

Phiên âm:

Vô đề

Luy tuy thiết toả xuất đô môn,
Khảng khái bi ca thiệt thượng tồn.
Quốc thổ trầm luân dân tộc luỵ,
Nam nhi hà sự phạ Côn Lôn.


Phan Chu Trinh


Dịch thơ:

Không đề

Bản dịch: Phan Khôi

Mang xiềng nhẹ bước khỏi đô môn,
Hăng hái hò reo lưỡi vẫn còn,
Ðất nước hãm chìm dân tộc héo,
Làm trai đâu xá thứ Côn Lôn.



Bản dịch: Huỳnh Thúc Kháng

Xiềng gông cà kệ biệt Đô môn,
Khảng khái ngâm nga lưỡi vẫn còn.
Đất nước đắm chìm nòi giống mỏn,
Thân trai nào sợ cái Côn Lôn.



1. Bài thơ này thấy có bản ghi tựa là Khẩu chiếm
Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:04 am

Lưu giản [1]


Làm trai quyết gánh, gánh gian nan,

Dám nại xa xôi bỏ giữa đàng,

Coi lại chỉ còn ba tấc lưỡi,

Trải qua đã nát mấy buồng gan,

Tếch dương Ấn Ðộ nhì thiên hạ,

Lên tháp Ba Lê nhất thế gian.

Mượn bút Tương Như đề mấy chữ

Thân này xin phó với giang san.



Phan Chu Trinh


1. Lưu giản: Bài thơ của người ra đi gửi cho người ở lại.
Năm 1911 cụ Phan Chu Trinh được tha nhưng thực dân Pháp muốn giam lỏng cụ ở Mỹ Tho nhưng cụ phản đối, cuối cùng cụ được tự do. Ít lâu sau cụ sang Pháp mong vận động ngay chính giới Pháp, trước khi đi cụ làm bài thơ này.

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:22 am

Chí thành thông thánh


Bản phiên âm:

Thế sự hồi đầu dĩ nhất không,
Giang san hòa lệ khắp anh hùng!
Vạn dân nô lệ cường quyền hạ,
Bát cổ văn chương túy mộng trung.
Trường thử bách niên cung thóa mạ,
Bất tri hà nhất xuất lao lung.
Chư quân vị tất vô tâm huyết,
Thỉnh bả tư văn kháng nhất thông.



Bản dịch:

Cuộc đời ngoảnh lại vắng không,
Giang sơn nào khóc anh hùng được đâu;
Cường quyền dậm đạp mái đầu,
Văn chương tám vế say câu mơ màng,
Tháng ngày uất hận đành cam,
Sổ lồng tháo cũi biết làm sao đây?
Những ai tâm huyết vơi đầy,
Dốc lòng văn đạo, thơ này thấu cho.


(Báo Tân dân số 3 năm 1939) [1]


Gẫm thế sự càng ngao ngán nỗi,
Đoái giang sơn tức tối anh hùng.
Đoán dân nô lệ đã xong,
Sĩ phu còn ở trong vòng say mê!
Thân nhục nhã ê chề muôn kiếp,
Biết ngày nào khởi nghiệp oan gia?
Ai ơi tưởng đến nước nhà,
Bài này mở mắt xem qua một lần.

(Báo Thời cuộc số 169 ngày 24-3-1955)[2]

Phan Chu Trinh


1 & 2: Nguồn Việt Nam Thi văn trích giảng; Tác giả: Tạ Ký
Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:32 am

Vịnh con muỗi


Mình thì ngăn ngắn cẳng thì dài,

Nhỏ nhỏ nhưng mà chẳng sợ ai.

Ít sức biết đâu mang đặng núi,

To gan có lúc cắn càn voi.

Xua tan lũ kiến tuồng vô dụng,

Gầy mật bầy ông lũ bất tài.

Minh bạch ngẫm ra thua nghĩ hết,

Cắn người rồi lại nói bên tai!




Phan Chu Trinh


Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:35 am

Trong ngục quốc sự phạm Santé - 1 [1]


Ba năm trải khắp đất Ba-Ri

Lao ngục chưa hề biết tí ti,

Sự khiến xui nên hay buộc tới,

Sống thừa còn có oán hờn chi.

Mỗi ngày đúng bữa ba lần xúp,

Hai đứa chia nhau một bánh mì.

Tám kiếp trâu già chi sợ ách,

Ngồi buồn bắt vế cứ ngâm thi.




Phan Chu Trinh


1. Năm 1915, những người cố thù, nhân lúc tác giả không chịu đi lính, vu cho cụ theo Đức, bắt cụ giam vào khám tù quốc sự phạm (Prison de la Santé) hơn mười tháng. Đây là những bài thơ cụ làm trong tù.
Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:40 am

Trong ngục quốc sự phạm Santé - 2


Từ ấy giam luôn mấy tháng tròn,

Nhờ trời ngủ kỹ lại ăn ngon.

Ngày ba lần xực coi còn đói,

Ðêm chín giờ chơi ngáy vẫn giòn.

Mỗi bữa nửa giờ ra hóng mát,

Mỗi tuần hai bận xuống thăm con.

Vui buồn mình biết lòng mình vậy,

Miễn trả cho rồi nợ nước non.




Phan Chu Trinh


Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:42 am

Trong ngục quốc sự phạm Santé - 3

Cây cao thì gió phải day,
Người cao thì phải đắng cay trăm chiều.



Lạ chi thói gió tự xưa nay,

Hễ thấy cây cao chỉ muốn day,

Thẳng vóc sồ sà hay cứng cỏi,

Xốc luồng tức tối cứ long lay.

Coi buồm, khách thạo ghê nương bóng,

Né ná, chim hèn sợ dính dây.

Nồm, bấc, trối thây ra sức thổi,

Cội rường trăm thước vẫn chờ ngày.




Phan Chu Trinh

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 9:56 am

Phan Thiết ngọa bệnh


Bản phiên âm:

Hựu hướng giang san tẩu nhất tao,
Tam Phan [1] phong vũ trệ chinh bào.
Thử trung ý tự vô nhân thức,
Độc ngọa tha hương thính hải đào.


Phan Chu Trinh


Dịch nghĩa:

Lại định đi một vòng khắp đất nước,
Nhưng mưa gió vùng ba xứ Phan này cản áo khách đi đường
Nỗi lòng ta lúc này không ai biết đến,
Nỗi tha hương, một mình nằm nghe tiếng sóng biển.



Dịch thơ:

Nằm bệnh ở Phan Thiết

Chạy khắp giang sơn một chuyến này,
Mưa cầm gió bắt phải nằm đây.
Biết mình nào có ai đâu tá?
Sóng bể nằm nghe réo suốt ngày.


Bản dịch của Ngô Đức Kế

1. Tam phan: Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết.
Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyWed Mar 14, 2012 10:01 am

Giai nhân kỳ ngộ chi ca


I

Ta ngẫm nghĩ đôi câu chương chướng
Muốn hai tay lôi bướng lão trời Già
Hỏi: Lưới trời sao rách rưới lắm mà
Một đời luống giúp tà mà hại chính?
Đời sao lại có suy, có thịnh
Người sao lại có dại có khôn
Lan huệ sao ông làm cho héo cho hon?
Gai góc sao ông lại thả khắp non khắp núi
Bông hoa sao nỡ để mưa tàn gió lụi
Bá tùng sao nỡ để tuyết dụi sương xô?
Hùm, beo, ó, là lũ hồ đồ
Việc gì ông lại thêm vậy, thêm cánh?
Làm cho chồn, cheo, chim, chuột không dường trốn tránh.
Mới sướng bụng ông sao?
Gì là sống? Gì là thác? Gì là nghèo? Gì là giàu?
Mơ màng trong một giấc chiêm bao
Ông nói hết thì tôi xin thả
Trăng sáng giữa trời soi khắp cả
Gió xao mặt biển sóng lông tông
Đầu tàu, đêm vắng ngồi trông.



***

II

Ta nhớ đâu, nhớ đầu biển Á
Muốn theo qua, sóng khỏa ngàn trùng
Bốn ngàn năm còn dõi dấu lạc hồng
Kìa biển, kìa núi, kìa sông, kìa đô ấp
Từ đình hoàng dựng cờ độc lập
Đến nguyên triều thâu thập cõi nam trung
Trải xưa nay lắm sức anh hùng
Liễu trôi máu vẽ nên màu cẩm tú
Hai ngàn vạn đồng bào sanh tụ
Sử vạn minh đem đọ, kém gì ai?
Quyết thề lòng dựng lại cảnh bồng lai
Chén rượu câu thì cười ha hả
Trăng sáng giũa trời soi khắp cả
Gió xao mặt nước sóng lông tông
Đầu tàu, đêm vắng ngồi trông.



***

III

Chánh, tự chủ dân ta dốc quyết
Đùm ruột gan xin kết cùng nhau
Cởi trói dây, còn đợi lúc nào
Hãy gắng sức anh hào tuấn kiệt
Loạn lạc, lòng người ai cũng nghét
Dối lừa thói tục, khuấy cho nhau
Gươm tự do sẵn mấy lúc chùi la
Người trí thuật dễ hàu ai húng hỉ
Đấng trượng phu một trường oanh liệt
Rút gươm ra đôi mắt liếc nhìn thù
Thề nhau hai chữ đồng cừu.



Phan Chu Trinh

Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyThu Sep 13, 2012 9:44 am

Đèn sáp


Một thân đứng sững giữa đăng đài,

Đèn sáp thân làm phận dẻo dai.

Thẳng rẳng sợi tim trong mấy tấc,

Lăn tròn cái xác biết bao ngoai.[1]

Cháy đầu dốc rọi đêm tăm tối,

Nóng ruột vì lo sự sáng soi.

Hé cửa, trách ai cho gió lọt,

Canh tàn nhỏ giọt tỏ cùng ai.





Phan Chu Trinh
(Theo Giai thoại làng nho, Lãng Nhân)

1. Lần, bận.
Về Đầu Trang Go down
Vân Nhi
Đại Ca
Đại Ca
Vân Nhi


Tổng số bài gửi : 5654
Points : 5977
Thanks : 35
Join date : 04/11/2011
Đến từ : phan thiết

Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh EmptyThu Sep 13, 2012 9:57 am

Điếu giải nguyên Nguyễn Hữu Huân

(Họa nguyên bài Tuyệt mệnh thi của ông Nguyễn Hữu Huân)

Bản phiên âm:

Tam phiên khẳng khái thệ đồng cừu,
Bất tử sa trường chí bất hưu.
Trương tướng[1] hùng phong bi tịnh trĩ,
Văn sơn[2] chính khí sử trường lưu.
Bi tai quốc thế nguy huyền phát,
Tử nhĩ nam nhi sỉ khấu đầu.
Thập lý Thu giang ba lãng nộ,
Cô chu nguyệt dạ bất thăng sầu.


Phan Chu Trinh

Dịch nghĩa:

Ba phen khẳng khái thề cùng giết giặc,
Chưa chết ở chốn sa trường thì chí này chưa nguôi.
Phong thái oai hùng của Trương tướng cùng sừng sững với bia đá,
Chính khí của Văn sơn còn lưu mãi trong sử sách.
Buồn thay! thế nước nguy ngập như treo đầu sợi tóc,
Thà chết thôi chứ kẻ nam nhi thẹn với chuyện phải cúi đầu trước quân thù.
Sông Mỹ Tho mười dặm sóng dậy,
Trên chiếc thuyền con dưới ánh trăng, khôn xiết buồn bã.



Dịch thơ:

Điếu giải nguyên Nguyễn Hữu Huân


Hăng hái thề bồi quyết bấy lâu,
Liều mình vì nước trả thù sâu.
Gan liền Trương tướng bia còn mãi.
Chính khí Văn sơn sách để sau.
Thế nước đến nguy như sợi tóc,
Tài trai thà chết chẳng nghiêng đầu.
Sông Tho mấy dặm dồn cơn sóng,
Trăng giõi quanh thuyền nghĩ chạnh đau.


Bản dịch của Ngô Đức Kế

1. Trương Tuần, tướng nhà Đường chống An Lộc Sơn, hy sinh ở Thú-dương.
2. Văn sơn: Văn Thiên Tường đời Tống bị giặc Nguyên bắt, không chịu khuất phục, bị xử tử. Khi còn bị giam, ông làm bài Chính khí ca nổi tiếng.

Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Phan Chu Trinh Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Phan Chu Trinh   Phan Chu Trinh Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Phan Chu Trinh
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Đại Nam Quốc Sử diễn ca
» Nguyễn Cư Trinh
» Chu Mạnh Trinh
» Hành trình về phương Đông
» Phan Văn Trị

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Thơ Tuyển Việt Nam :: Nhà Tây Sơn - Cận đại (1778 - 1930)-
Chuyển đến