Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


 
Trang ChínhTrang Chính  PortalPortal  GalleryGallery  Tìm kiếmTìm kiếm  Latest imagesLatest images  Đăng kýĐăng ký  Đăng Nhập  
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
Latest topics
» Gửi em ở cuối sông Hồng
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyFri Feb 17, 2023 8:01 am by Vân Nhi

» Tôi đi học
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptySat Sep 07, 2019 4:23 pm by Vân Nhi

» Trần Hưng Đạo
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyWed Jun 06, 2018 4:53 pm by Vân Nhi

» Huyền Chi
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyMon Jun 04, 2018 4:35 pm by Vân Nhi

» Guitar đường phố: đỉnh của đỉnh
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyTue May 29, 2018 7:45 am by Vân Nhi

» Quan Âm Thị Kính
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyFri May 25, 2018 2:02 pm by Vân Nhi

» Thanh Tịnh
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyMon May 21, 2018 3:25 pm by Vân Nhi

» Thuyền viễn xứ
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyThu May 03, 2018 2:19 pm by Vân Nhi

» Xuân Tâm
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyThu Jul 06, 2017 1:49 pm by Vân Nhi

April 2024
MonTueWedThuFriSatSun
1234567
891011121314
15161718192021
22232425262728
2930     
CalendarCalendar
Most Viewed Topics
Lý Bạch
Nguyễn Bỉnh Khiêm
Nguyễn Khuyến
Bùi Giáng
Vũ Hoàng Chương
Đoạn Trường Tân Thanh
Đại Nam Quốc Sử diễn ca
Chế Lan Viên
Trần Tế Xương
Quách Tấn
Keywords
Trần trinh Luật nguyễn đoạn Đường nhân phan quách những Khuyến Chỉnh nhất miền Xương Liên Lược Thiên thảm Pháp thầy trường xuân công Trọng dũng

 

 Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)

Go down 
Tác giảThông điệp
Ngao_0p
Chế rượu
Chế rượu
Ngao_0p


Tổng số bài gửi : 1056
Points : 1144
Thanks : 17
Join date : 05/11/2011

Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) Empty
Bài gửiTiêu đề: Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)   Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyWed Oct 03, 2012 8:18 am

MẤY ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ MỘT THỜI ĐẠI VĂN HỌC

- Đặng Thai Mai -

Trong đời sống của một dân tộc, sự nghiệp dựng nước không thể tách ra ngoài sự nghiệp giữ nước. Nói một cách khác, giữ nước chính là điều kiện quyết định để dựng nước. Và ngược lại, sự nghiệp dựng nước tiến hành được tốt cũng là bảo đảm cho công cuộc giữ nước. Dựng nước, một mặt nữa, là một công trình lâu dài, khó nhọc.

Thủ đô Thăng Long của chúng ta đã có ngót nghìn năm lịch sử. Và từ lâu, tổ tiên ta vẫn gắn liền tên đất nước Việt Nam với "bốn nghìn năm văn hiến".

Văn học là một bộ phận trong sự nghiệp dựng nước thời đại này. Công việc không dễ dàng. Cũng không phải là việc làm nhanh chóng. Nhiều thế hệ đã đóng góp vào đây tất cả khả năng, suy nghĩ và sáng tạo của mình. Sự nghiệp sáng tác của người xưa còn để lại tới ngày nay cho chúng ta cả một kho tàng đáng quý. Cố nhiên trong lĩnh vực này sức người vẫn có giới hạn. Nhưng cũng chính vì vậy mà một vần thơ, một bài văn hay hiện còn giữ được lại càng có ý nghĩa. Như những thoáng thơm của tâm hồn nhân đạo, của nhân văn. Như một bảo đảm của quá khứ. Như một hứa hẹn về tương lai. Trước hết như một kinh nghiệm. Bài học của lịch sử là bài học tin tưởng, bài học cố gắng trên cơ sở nhận thức chính xác về những thành tích đã đạt được trong công trình xây dựng của con người, về những điều kiện khách quan, chủ quan đã cho phép đạt được những thành tựu ấy.

I.

Làm tiền đề cho trang sử mới này là thời kỳ mà các nhà sử học ngày xưa vẫn gọi là thời kỳ nội thuộc. Một thời kỳ kéo dài đến hơn mười thế kỷ, từ thời Tây Hán (202 trước công nguyên - 8 sau công nguyên) đến cuối thời kỳ Ngũ đại (907 - 960), trong lịch sử Trung Quốc.

Về chính trị, đất nước hồi ấy đã bị chia thành quận huyện đặt dưới quyền cai trị của các quan Thái thú, Thứ sử hoặc Ðô hộ sứ với các bộ máy hành chính và quân sự của người nước ngoài. Những kẻ quyết định vận mệnh của nhân dân phần đông không phải là những hiền nhân quân tử, những quan lại nhân đức. Chính sách cai trị thường thường là độc đoán, tàn bạo. Ðời sống người bản xứ tất nhiên là khổ sở, điêu đứng. Trong tình thế đó, người dân Việt Nam không thể luôn luôn cúi đầu khuất phục. Thời kỳ đen tối kéo dài ấy, trong thực tế đã được đánh dấu bằng những cuộc nổi dậy liên tiếp của nhân dân chống bọn tham quan ô lại. Do sự chênh lệch quá đáng trên cán cân lực lượng, nhiều cuộc vận động đã thất bại sau một thời gian ngắn. Tuy vậy, tinh thần quật khởi của dân tộc không hề bị dập tắt. Cuộc đấu tranh gian khổ lâu dài chống một thế lực ngoại xâm mạnh bằng mười, bằng trăm mình, cuộc đấu tranh bền bỉ từ thế hệ này đến thế hệ khác thật sự đã là một pho kinh nghiệm phong phú về mặt quân sự, chính trị và xã hội. Nhưng về mặt tâm lý của dân tộc, có phần chắc kinh nghiệm lịch sử ấy cũng đã để lại trên tâm hồn người Việt những đức tính di truyền đáng quý: cam đảm, bền bỉ, tháo vát, mưu trí, căm thù giặc ngoại xâm, tình thân yêu đối với đồng bào, đất nước.

Công cuộc phát triển giáo dục và văn hóa cho phần đất nội thuộc này, cố nhiên không được xem trọng. Theo những tài liệu đáng tin thì từ nửa đầu thế kỷ thứ ba sau công nguyên, một vài Thái thú, Thứ sử người Hán đã cố gắng truyền bá Hán học và phong hóa Trung Hoa ở Giao Chỉ, Cửu Chân. Thế nhưng suốt trong thời gian bảy thế kỷ sau đó, số người Việt biết viết văn chữ Hán rất là hiếm hoi. Những gì họ đã viết ra chả có gì có thể nói là đặc sắc về mặt nghệ thuật. Chữ nghĩa thánh hiền, đạo lý cũng như văn chương, quả là chưa hề được truyền bá với chút ít tinh thần hào phóng. Cũng nên nói thêm rằng: Trong điều kiện sinh hoạt thời kỳ này, dầu trường học chữ Hán có được lập ra bao nhiêu thì chắc chắn cũng chả được người Việt hoan nghênh.

Tuy vậy, cuộc tiếp xúc bất ngờ này không thể nói là không ảnh hưởng gì đối với đời sống văn hóa của người Việt Nam.

Trước hết, đây là một cuộc va chạm mãnh liệt và kéo dài có đến hơn mười thế kỷ. Do đó, nếp sống tinh thần và vật chất của người bản xứ, tín ngưỡng, phong tục cũng như nghệ thuật nguyên thủy nhất định cũng đã bị va chạm, sứt mẻ, mất mát khá nhiều nếu chưa phải là bị khua đuổi hay quét mất.

Nhiều phát hiện gần đây của khảo cổ học chúng ta đã chứng minh rằng: hàng nghìn năm trước cuộc bắt chộp lịch sử lần này, người Việt thời đại Hùng Vương đã có một nền văn hóa với những nét cá tính khá rõ rệt. Trong lĩnh vực văn học chúng ta đã có cả một pho thần thoại và truyền thuyết khá phong phú. Nghe đâu trên đường giáp giới giữa Việt Thường và Nhật Nam, trên triền núi của dãy Hoành Sơn chạy ngang ra bể có một đỉnh cao là nơi danh thắng mà các vua Hùng cổ xưa đã chọn làm địa điểm để hàng năm vua tôi cùng nhau tụ họp trong những ngày Tết, để nghe những "cung đàn nhà Trời" (Truyền thuyết nói rằng mỏm núi này hình giống một cái đàn cho nên người sau dịch cái tên nó là Thiên Cầm sơn (cái đàn nhà trời). Nhưng vào đầu thế kỷ 15, khi Trương Phụ, tướng nhà Minh, đuổi và bắt được ở đây hai bố con Hồ Hán Thương thì hắn ta bắt đổi chữ cầm là đàn thành chữ cầm là bắt, nghĩa là nơi đây quân nhà Minh "Thiên tử" đã bắt được và cầm tù hai bố con họ Hồ). Ðẹp đấy chứ! Trên đỉnh núi cao, nhìn ra mặt biển mênh mông, con người thái cổ đất nước này đã có ý muốn cùng nhau nghe những "cung nhạc nhà Trời". Cố nhiên hình thức và nội dung các buổi sinh hoạt nghệ thuật thế này đã đứt đoạn từ thế kỷ thứ ba trước công nguyên.

Dầu sao cũng phải ghi nhận rằng: dưới sự đô hộ hàng nghìn năm thời ấy, đồng thời với các cuộc khởi nghĩa vũ trang, quần chúng nhân dân còn làm một sự nghiệp vĩ đại là bảo vệ được phần nào cái vốn cũ của văn hóa dân tộc đó dưới hình thức truyền miệng, là giữ lại ít nhiều tính dân tộc trong nếp sống văn hóa của mình. Nhân dân ta, trước hết, đã bảo vệ được tiếng nói của mình. Trong khi tiếp xúc với một nền văn hóa tiên tiến hơn về mọi mặt kinh tế, khoa học, kỹ thuật, người Việt đã vay mượn một số từ ngữ Trung Quốc để biểu hiện những khái niệm mới. Những tiếng Hán được du nhập vào ngôn ngữ Việt Nam, như mọi người đều biết, đã được chuyển hóa và đọc theo thanh điệu tiếng Việt. Ngữ pháp tiếng Việt về cách đặt câu, cũng như về ngữ âm không hề bị phá phách đến nỗi mất hết bản sắc và, trong thực tế, vay mượn chỉ làm cho tiếng Việt phong phú, nhuần nhụy và uyển chuyển hơn. Giữ lại những gì còn có thể giữ được trong truyền thống văn hóa sẵn có của dân tộc, tiếp thu những tiến bộ mới trong đời sống vật chất và tinh thần của nước ngoài, bảo vệ và phát triển tiếng nói mẹ đẻ, mọi cố gắng về cả ba phương diện trên đây đều là những hoạt động có hiệu quả để mở rộng tầm mắt và cải tiến cuộc sống của dân tộc. Trong tình cảnh đất nước bị đô hộ suốt mười mấy thế kỷ hồi ấy, nhân dân Việt Nam vẫn nắm được trong tay chiếc thìa khóa cần thiết để mở cửa tự mình giải phóng lấy mình sau này.

Ngay cả việc vay mượn chữ Hán rồi đây sẽ là một yếu tố mới để xây dựng học thuật nước nhà. Chữ Hán sẽ là thứ chuyển ngữ cần thiết để người Việt Nam, sau khi giành lại được quyền tự chủ, có thể học và hiểu sâu hơn đạo Phật, đạo Khổng, đạo Lão và để xây dựng nền văn học mới.

Dưới thời "nội thuộc", dân tộc ta chưa có thể tự đặt cho mình một lối chữ viết riêng. Ðó là một thiệt thòi. Ðành phải dùng chữ Hán. Ðó không phải là điều kiện hoàn toàn thuận lợi cho sự phát triển. Nhưng đó cũng là tình hình chung cho lịch sử văn học của khá nhiều quốc gia xưa nay. Vả lại, rồi đây cũng chính là trên cơ sở chữ Hán mà người ta sẽ đặt ra lối chữ viết đầu tiên của người Việt là chữ Nôm.


Nguồn: http://www.nhanmonquan.net

Về Đầu Trang Go down
Ngao_0p
Chế rượu
Chế rượu
Ngao_0p


Tổng số bài gửi : 1056
Points : 1144
Thanks : 17
Join date : 05/11/2011

Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)   Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyWed Oct 03, 2012 8:23 am

MẤY ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ MỘT THỜI ĐẠI VĂN HỌC

- Đặng Thai Mai -

II.

Một nền văn học mới đã được xây dựng trên bối cảnh lịch sử xã hội mới: xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ 11 - 14.

Về chính trị, sự kiện lớn là từ nay trở đi, người Việt Nam đã có thể sắp xếp lấy việc của mình về mọi mặt: kinh tế, văn hóa, quốc phòng, ngoại giao, tổ chức đời sống xã hội, v.v. Trong suốt thời gian này, sự thành lập chế độ vương triều Ðinh, Lê, Lý cũng như nhà Trần là có cơ sở thực tế ấy: chống ngoại xâm, bảo vệ đất nước, tổ chức một nhà nước có thể bảo đảm cho nhân dân một đời sống yên ổn, ít ra là trong một thời gian nhất định.

Chế độ phong kiến cố nhiên cũng đã ấp nghén ngay trong nội bộ những nguy cơ thông thường: tranh giành quyền bính từ trong cung đình, giữa các nhóm hoàng thân, quốc thích, hoặc giữa các quyền thần, giữa các lực lượng đối địch với nhau. Tình thế chia rẽ này thường thường đã gây nên những ảnh hưởng tai hại, có lúc còn dẫn tới chỗ một lũ phản quốc đi mời người ngoài về để bảo vệ quyền lợi ích kỷ của chúng. Trong xã hội phong kiến, nông dân là tầng lớp bị bóc lột nặng nề nhất. Do đó, nhiều cuộc khởi nghĩa liên tiếp của dân nghèo lắm lúc đe dọa đến uy thế của triều đình, đến quyền lợi của giai cấp thống trị.

Chế độ phong kiến cũng là lực lượng ngăn cản sự phát triển công nghiệp, thương nghiệp, tiền đề của một chế độ tư bản dân tộc.

Tình hình chung cho các vương triều phong kiến là thế: chỉ trong một thời gian ngắn mấy đời vua đầu tiên, quyền lợi của giai cấp phong kiến còn có ít nhiều lý do tồn tại; vì những người sáng lập nên cơ nghiệp đầu tiên đã có công lao với đất nước. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, cái mà người ta thấy rõ là áp bức, là chia rẽ, là phản động, là chiến tranh và điêu tàn.

Quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian này nói chung là bình thường. Không phải luôn luôn là thân thiện. Người Việt Nam nhiều phen đã phải cầm khí giới chống lại quân xâm lăng của đế chế phương Bắc. Nhưng điều quan trọng là đất nước trước sau vẫn được nguyên vẹn và quyền tự chủ của Việt Nam đã được thừa nhận.

Dân tộc Chàm ở miền nam từ lâu là một ông láng giềng gây rối. Nhiều vua chúa Chàm đã nuôi dưỡng ý đồ xâm lăng, có lúc đã thực sự đe dọa cả tới nền an toàn của Việt Nam. Kết quả cuộc đấu tranh, như mọi người biết, là bờ cõi Việt Nam đã mở rộng thêm vào miền nam.

Nhiệm vụ chính của các triều đình phong kiến kế tiếp nhau trong thời gian này là xây dựng và bảo vệ đất nước. Mỗi một lúc mà một vương triều không làm tròn được nhiệm vụ đó thì nó sẽ không còn lý do để ngự trị trên đất nước nữa.

Trong lĩnh vực học thuật, một hiện tượng mới nhìn qua có vẻ như ngang ngược: khi nước Việt Nam được tự chủ thì Hán học lại thịnh vượng hơn thời nội thuộc nhiều. Tình hình đó cũng rất dễ hiểu.

Trước hết là vì Nhà nước phong kiến đã tìm được trong Nho giáo một ý thức hệ vững chắc để bảo vệ quyền lợi của giai cấp thống trị. Hình luật, hội điển của đế chế phương Bắc là những mẫu mực lý tưởng để tổ chức xã hội mới, chính quyền nhà nước, trật tự xã hội. Ðiều cần thiết là dạy cho dân biết tôn trọng chế độ.

Phương tiện có công hiệu về mặt này là kinh điển của các tôn giáo: Lão, Phật, Nho. Nhất là đạo Nho. Nhưng luật lệ cũng như kinh điển thánh hiền chưa ai dịch ra tiếng Việt. Thì học bằng chữ Hán! Mà lại có phần tốt. Thông qua một thứ "tiếng" mà người dân đen không hiểu gì hết, thì một chỉ dụ từ trong nội ban ra, một tờ sức từ các nha môn gửi xuống, một giáo chỉ của thánh hiền đời cổ bên Tàu, một câu châm ngôn luân lý, dường như lại có vẻ tôn nghiêm, thần thánh hơn.

Ngoài ra, mọi người đều thấy rằng văn minh của Trung Quốc quả có những điều nên học tập. Từ kỹ thuật đến khoa học, từ nghề nông đến nghề làm thợ, nghề buôn, từ các khoa nho, y, lý, số đến nghệ thuật, văn học, triết học, Trung Quốc vẫn là tiền tiến đối với á Ðông. Phải biết chữ Hán thì mới lần mò học hỏi được những tri thức về mọi mặt.

Ấy là chưa nói đến uy tín lừng lẫy của các hoàng đế phương Bắc đối với các nước láng giềng. Yêu cầu chính trị buộc phải đặt quan hệ giữa các nước Ðông - Nam á với Trung Hoa. Nhiều phái bộ được trao đổi giữa Việt Nam và Trung Quốc có lúc cơ hồ như năm một. Lối học từ chương của Trung Quốc từ mấy thế kỷ vừa qua đã được xem như khuôn vàng thước ngọc để đánh giá trình độ tri thức của con người. Các sứ thần nước này không nói được tiếng của nước kia. Phương tiện trao đổi ý kiến là chữ Hán. Vậy sứ thần Việt Nam phải hiểu biết ít nhiều lịch sử và văn học Trung Quốc. Và điều kiện cần thiết là phải chữ tốt văn hay, để có thể nói chuyện cùng nhau bằng quản bút.

Hán học đã gặp một vận hội mới để phát triển đến một mức phồn vinh chưa hề thấy. Thời đại Việt Nam giành lại quyền tự chủ sau hơn mười thế kỷ nội thuộc, thời đại "Nam Bắc các đế nhất phương", - vua Việt Nam, vua Trung Quốc mỗi người làm vua một phương trời - cũng là một thời đại mà các vương triều Việt Nam, trong khi xây dựng chính quyền chuyên chế, còn có ý đồ làm cho đất nước không thua kém Trung Quốc (vô tốn Trung Quốc) về "văn minh". Danh từ này, trước hết được quan niệm như là trình độ hiểu biết về chữ nghĩa văn chương theo lối Trung Quốc. Ðể thực hiện ý đồ ấy, trước hết phải tổ chức trường học, khoa thi, phải học sách nho, tư tưởng nhà nho, và dùng chữ Hán như là phương tiện giao tế tao nhã nhất để ghi chép sự thực, để biểu hiện tình cảm, để truyền đạt ý muốn của vua quan xuống dưới quần chúng nhân dân và để giao thiệp với triều đình các đời vua Trung Hoa. Nền văn học mới của nước Việt Nam đã được thành lập và trong nền văn học ấy, phần viết bằng chữ Hán là một phần quan trọng.


Nguồn: http://www.nhanmonquan.net

Về Đầu Trang Go down
Ngao_0p
Chế rượu
Chế rượu
Ngao_0p


Tổng số bài gửi : 1056
Points : 1144
Thanks : 17
Join date : 05/11/2011

Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)   Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) EmptyWed Oct 03, 2012 8:30 am

MẤY ĐIỀU TÂM ĐẮC VỀ MỘT THỜI ĐẠI VĂN HỌC

- Đặng Thai Mai -

III.

Nên chú ý đến tâm lý của thời đại. Nước Việt Nam đã lấy lại quyền tự chủ. Tình trạng đất nước chia rẽ nội bộ dưới thời Mười hai "sứ quân" cũng vừa chấm dứt. Chúng ta có thể hiểu nỗi niềm vui sướng của cả một dân tộc lúc này là thế nào. Ðây là hào hứng của cả nước. Chế độ vương triều, nhà Lý (1009 - 1225) cũng như nhà Trần (1225 - 1400), nói chung có những vị vua xứng đáng với dân tộc anh hùng. Hào hứng đó bao hàm một niềm tin, một quyết tâm. Tin vào tiền đồ của đất nước, quyết tâm bảo vệ bờ cõi, xây dựng cơ đồ. Tâm trạng ấy đã được ghi lại bằng những nét sâu đậm trong nhiều văn thơ của thời đại. Bài chiếu Thiên đô của Lý Thái Tổ từ đầu thế kỷ thứ 11 và, sau đó, bài thơ nói là của Lý Thường Kiệt: Nam quốc sơn hà Nam đế cư, khi cầm quân chống nhà Tống, và sau đó nữa, đời Trần văn thơ của Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Trần Hưng Ðạo, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão (ấy là chỉ nhắc tới những tên tuổi lừng lẫy nhất), đều bộc lộ một niềm tin, một tinh thần quyết thắng và một ý chí sắt đá qua nhiều vần thơ bất hủ.

Nói như Trần Nhân Tông giữa lúc kết quả của một chiến dịch còn ngập ngừng trên cán cân so sánh lực lượng:

Cối Kê cựu sự quân tu ký,
Hoan Diễn do tồn thập vạn binh.


(Chuyện cũ Cối Kê ngươi hẵng nhớ,
Hoan Diễn còn kia mười vạn quân).

Hay Trần Quang Khải:

Ðoạt sáo Chương Dương độ,
Cầm hồ Hàm Tử quan.
Thái bình tu trí lực,
Vạn cổ thử giang san.


(Bến Chương Dương cướp giáo,
Cửa Hàm Tử bắt hồ.
Thái bình càng cố gắng,
Muôn thuở nước non nhà).

Và khi cuộc đấu tranh để bảo vệ đất nước gặp bước thất bại thì lời lẽ bi ca của con người vẫn khảng khái, không hề chán nản với sự nghiệp cứu quốc. Ðặng Dung, vị tướng già đời hậu Trần, trong một tình thế tuyệt vọng vẫn mài gươm phục thù dưới ánh trăng trong:

Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.


(Thù nước chưa đền đầu vội bạc,
Ðòi phen dưới nguyệt mài gươm thiêng).

Thơ yêu nước là một bộ phận rất quan trọng trong các tập "thi tuyển" của văn học Việt Nam. Ðiều đó rất dễ hiểu nếu chúng ta nhận rõ bối cảnh lịch sử chính trị của dân tộc. Tôi chỉ muốn bạn đọc chú ý đến sự hài hòa ở đây giữa lời thơ với tình yêu nước hết sức chân thật, sâu sắc và cảm động của những người đã viết nên những bài thơ ấy.

Trước bối cảnh lịch sử ấy, nét đặc biệt rõ trong đời sống xã hội phong kiến Việt Nam ở giai đoạn này là sự giản dị trong quan hệ giữa con người với con người. Giữa vua quan với nhân dân, sự cách biệt còn chưa đến nỗi quá gay gắt, "cách trùng". Một nhà vua nổi tiếng là anh minh của nhà Trần đã nhiều lần nhắc nhở con cháu mình chớ nên quên rằng tổ tiên họ xưa kia cũng chỉ là những người dân đen. Lý lịch của các quan to, các tướng lĩnh không phải chỉ toàn là dòng dõi quý tộc. Vai trò của quần chúng nhân dân về việc nước không phải chỉ là thụ động. Tình đoàn kết từ trên xuống dưới ở đây không những chỉ biểu hiện trong những dịp nguy biến như khi vua Trần triệu tập hội nghị Diên Hồng, để cùng với các nhà kỳ lão bàn việc chống xâm lăng. Xây dựng Nhà nước luôn luôn cần đến công và của của toàn dân. Từ cung điện nhà vua qua dinh thự các quan tới làng mạc nông dân chưa có những đường hào ngăn cách một cách quá nghiêm khắc như sau này. Chưa có một "bệ rồng" xa thẳm và lộng lẫy, chưa có những thành quách cao dày, những hào lũy sâu thẳm, lởm chởm cờ xí và gươm giáo, chưa có những kiến trúc nguy nga, những luật lệ gang sắt với một kỷ cương trật tự nghiêm ngặt. Từ cung điện ở phủ Thiên Trường, nhà vua vui lòng ngắm cảnh thôn quê và lắng nghe tiếng sáo của các em bé chăn trâu đi dọc theo con đường làng, bên bờ ruộng, nơi hai cái cò trắng vừa tà tà hạ cánh:

Thôn hậu thôn tiền đạm tự yên,
Bán vô bán hữu tịch dương biên.
Mục đồng địch lý quy ngưu tận,
Bạch Lộ song song phi hạ điền.


(Xóm trước thôn sau tựa khói lồng,
Bóng chiều dường có lại dường không.
Mục đồng sáo vẳng trâu về hết,
Cò trắng từng đôi liệng xuống đồng).
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Vua quan thời đại này luôn luôn biết tìm ở đồng quê, hoặc ở chùa chiền những giờ phút êm đềm để di dưỡng tinh thần, để suy nghĩ về lẽ sống. Và những cuộc tuần du hay vi hành như vậy xem chừng cũng chưa đến nỗi làm cho đời sống hàng ngày của nhân dân phải quá phiền hà. Ðối với giai tầng quý tộc hồi này, những ngày tế lễ, những ngày tết hàng năm là những dịp tiếp xúc thân mật với quần chúng. Những ngày hội ở các chùa lớn vẫn tập hợp xung quanh các vị cao tăng được chỉ định để thuyết pháp trước cả một triều đình, nhà vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa với tăng ni và quần chúng nhân dân. Trước đức Phật, mọi người đều bình đẳng. Vào lễ tết xuân ngày ba tháng Ba âm lịch hàng năm, vua Nhân Tông, người đã thắng quân Nguyên trong hai chiến dịch, ngồi xem điệu múa Thác Bạt trong bộ áo mới trước một mâm cỗ dàn bày theo "phong tục An Nam cổ xưa". Vua chúa hồi ấy cũng vui lòng tham gia vào các ngày hội của dân quê gần đế đô. Và sử còn chép lại rằng trong một cuộc đấu vật, một vị thượng hoàng đời nhà Trần đã theo dõi hồi hộp hơn ai hết vì một tay đấu để giành cái danh hiệu "đô vật" này lại chính là một người con của ngài.

Bảo là đời sống hồi này là một đời sống "tự do", một đời sống hoàn toàn "bình đẳng" thì e quá. Nhưng thiết tưởng nói rằng đời sống xã hội phong kiến thời này còn có những ngày dễ chịu, vui vẻ, gần gũi với nhau hơn các đời vua sau này nhiều thì cũng không phải là nói ngoa. Hồi ấy người ta biết sống, sống vui trong tình thân, trong tin tưởng.

Và đời sống trí tuệ hồi này của giới thượng lưu trong một phạm vi nhất định cũng có thể nói là thoải mái, phong phú, nhiều vẻ.

Phần đóng góp của chữ Nho vào thơ văn của thời đại, đã có thể đưa lại những kết quả rực rỡ hơn thời kỳ trước nhiều.

Nho giáo chưa chiếm được địa vị độc tôn.

Có đủ lý do để tin rằng: trong thời kỳ lịch sử mười thế kỷ trước đó, đạo Phật, đạo Lão đã được truyền bá khá rộng rãi vào quần chúng nông dân. Hẳn là vì hồi ấy, đạo Phật và đạo Lão đã đưa tới cho nhân dân đôi chút an ủi. Lễ nghi của các nhà Ðạo giáo phù hợp ít nhiều với tín ngưỡng ngày xưa của bản xứ. Người ta tin rằng: những câu tụng niệm, những phù chú của các thầy phù thủy có những hiệu lực thần kỳ để cung cấp cho đời sống hàng ngày những may mắn mà sức con người không thể với tới. Ðạo giáo trước sau chỉ là một thứ nghi lễ thần bí. Nhưng đối với đời sống nhân dân nó vẫn là quan trọng, dầu chưa được tôn sùng như một quốc giáo. Còn giáo chỉ của ông Bụt về duyên kiếp, về khổ nạn của con người, về hạnh phúc của nát bàn, về con đường giác ngộ và giải thoát, với những ý niệm thiết thực hơn như là từ bi, bác ái và bình đẳng, tất cả chúng sinh đều có thể thành Phật - giáo chỉ ấy qua lời giảng của các thầy chùa đã được quần chúng nhân dân lắng nghe và tin tưởng. Có phần chắc là phần giáo chỉ mà quần chúng lĩnh hội được không phải là một giáo lý cao sâu, huyền bí, có thể dẫn tâm hồn con người đi tới chỗ hủy diệt, hư vô. Nhưng ít nhất người nghe cũng cảm thấy được chút ít hy vọng. Các vị thầy chùa hồi này là những người sống rất gần gũi với nhân dân. Họ biết quần chúng mong muốn gì, yêu chuộng gì, và có thể hiểu và nên hiểu những gì trong giáo chỉ cửa Thiền.

Không phải ngẫu nhiên, khi các vương triều đầu tiên được thành lập thì, trong các cuộc tiếp xúc với đế chế Trung Quốc, những sách vở họ xin du nhập chưa phải là kinh truyện Nho giáo, mà là kinh Phật.

Không phải ngẫu nhiên mà các nhà sư Việt Nam thế kỷ 11, 12, 13 đã tham gia tích cực vào công cuộc cứu nước, dựng nước.

Cũng không phải ngẫu nhiên mà phần khá đông những thi sĩ của thời đại này là những nhà sư và những nhà vua, những nhà quý tộc khá uyên thâm về giáo lý của đạo Phật.

Hán học chưa chiếm được địa vị độc tôn, nhưng nó sẽ bước dần dần tới địa vị đó. Chữ Hán hồi này là cái thìa khóa để người trí thức có thể đi vào đạo Lão, đạo Phật. Ðó là một điều có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Trong hiện tại cũng như trong tương lai, suốt một thời kỳ dài, sự hiểu biết về cả ba đạo giáo (Phật, Lão và Nho) là cần thiết từ nhà trường cho đến chế độ thi cử và đề bạt lên làm quan. Nhưng rồi đây, vì nhiều lý do, Hán học sẽ át cả hai đạo giáo kia để trở thành quốc giáo. Chuyện đó xảy tới từ thế kỷ 15 trở đi.

Trước khi cục diện biến chuyển như vậy, theo ý tôi, không khí học thuật giai đoạn này là thoải mái và lành mạnh. Chúng ta có thể nhìn thấy ít nhiều tia hồ quang của đời sống tinh thần hồi này qua văn học của thời đại.

Ảnh hưởng của thơ Hán cố nhiên là càng ngày càng đậm nét.

Trước hết, quan niệm về thơ: "Thơ cốt nói lên lòng của con người". Người ta chưa nhắc đến quan niệm "Văn để chép đạo". Nhưng nguyên lý: Thơ để "ngôn chi" cũng chính là lời dạy của "Ðức Thánh".

Về thể loại, nhà nghiên cứu uyên bác Lê Quý Ðôn, từ thế kỷ 18, trong một tuyển tập khá công phu, đã xếp các bài thơ cổ Việt Nam tám thế kỷ trước theo hai thể loại:

- Cổ thể :gồm những bài ca, bài thơ bốn chữ, năm chữ, sáu chữ, bảy chữ. Gương mẫu ở đây là thơ Ngụy, Tấn, Lục triều của Trung Quốc.

-Cận thể : gồm những bài viết theo lối Ðường thi, gồm những bài thơ luật bảy chữ hoặc năm chữ theo quy luật thơ Ðường, và những bài tuyệt cú mỗi câu bảy chữ hoặc năm chữ.

Bước vào thế kỷ 18 sau này, một vài thi sĩ cũng sẽ nghĩ tới dùng chữ Hán để viết theo thể loại Việt Nam như là ca trù và thơ lục bát. Khỏi phải nói, đây chỉ là một hình thức biểu diễn Yoga mà thôi. Cốt để làm vui trong một bữa tiệc nơi cung đình. Không có tương lai.

Về lời thơ thì những khuôn phép bằng trắc, đối tượng trong thơ luật càng về sau càng được tôn trọng. Trong giai đoạn đầu, những bài ngoại lệ còn khá nhiều. Từ ngữ trong thơ, kể cả thơ nói về đời sống tinh thần theo giáo lý Thích ca thường thường vẫn được vay mượn trong sách vở thánh hiền, và trong điển cổ văn chương của Nho học, của Ðạo học từ thời Xuân Thu Chiến Quốc cho tới đời Ðường, đời Tống. Những thí dụ về mặt này, các bạn đọc có thể bắt gặp trong bất cứ một tác phẩm nào của thời đại. Khi người ta làm thơ bằng một thứ tiếng nước ngoài, lẽ tất nhiên phải uốn nắn ngòi bút mình, nếu không thì lời thơ sẽ lạc điệu.

Tôi muốn nói thêm một nhận xét về lối dùng từ Hán trong thơ đời Trần thế kỷ 13. Nhiều bài thơ hồi này đã dùng một số từ ít khi gặp trong thơ cổ Trung Quốc, trước đời Ðường. Một số loại từ ấy không có ý vị tao nhã của cung đình; mà là những tiếng địa phương miền nam. Những tiếng địa phương đó, nếu tôi không nhầm, được du nhập vào thơ có lẽ qua văn chương các tập thể chú của Chu Hi, một nhà Hán học đời Tống trong khi giảng giải, chú thích kinh truyện với học trò vẫn có thói quen dùng thổ âm của tỉnh ông ta. Âu cũng là một xu hướng "cách tân" của thời đại: thơ chữ Hán đang muốn đi gần với khẩu ngữ hơn.

Tôi nghĩ rằng khi chúng ta nghiên cứu ảnh hưởng của nền văn học này đối với nền văn học khác thì cố nhiên là phải so sánh. So sánh cố nhiên phải nhìn thấy chỗ giống nhau, nhưng rồi cuối cùng, điều cần thiết là phải nhìn thấy chỗ khác nhau. Bởi vậy, điều đáng chú ý ở đây là những đặc sắc Việt Nam trong thơ của thời đại này.

Nét đặc sắc ở đây chính là quan niệm nhân sinh trong thơ người xưa. Qua thơ của thời đại, điều người đọc để ý trước tiên là thái độ tích cực, lạc quan trước cuộc sống.

Ðời người ngắn ngủi, là có mà cũng là không. Trong quan niệm của nhiều tôn giáo, đây là một ý niệm đáng sợ. Nhưng thầy Vạn Hạnh (thế kỷ thứ 11) đã nói với đồ đệ:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,
Thảo mộc xuân vinh thu hựu khô.
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.


(Thân như bóng chớp có rồi không,
Cây cối xuân tươi, thu não nùng.
Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông).
(Bản dịch của Ngô Tất Tố)

Giữa thời kỳ loạn lạc cuối thế kỷ thứ 10 đầu thế kỷ 11, lời dạy của nhà tu hành đã gây được nhiều tiếng vang. Khá nhiều nhà sư đời Lý là những người hành động - những người sẵn sàng giúp vua cứu dân. Thái độ tích cực trước cuộc sống như vậy có đúng với giáo chỉ Phật tổ hay không? Câu trả lời, theo ý tôi, không cần thiết lắm. Ðó là một sự thật: là quan niệm sống của khá nhiều nhà sư thời đại này.

Xuân qua, hoa rụng, cảnh ấy có thể gợi cho thi sĩ ý nghĩ về cảnh già, về cái chết. Nhưng nhà sư Mãn Giác (thế kỷ 11) nói với chúng ta:

Xuân khứ bách hoa lạc,
Xuân đáo bách hoa khai.
Sự trục nhãn tiền quá,
Lão tòng đầu thượng lai.
Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,
Ðình tiền tạc dạ nhất chi mai.


(Xuân qua trăm hoa rụng,
Xuân lại tới và trăm hoa sẽ lại nở.
Sự vật đuổi nhau qua trước mắt,
Cái già sùng sục tới trên đầu.
Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,
Hôm qua, sân trước, một cành mai).

Tình cảm thiên nhiên trong thơ thời đại này không phải chỉ là những cảm hứng gián tiếp, vay mượn từ điển cố sách vở Trung Hoa. Ðiều đáng quý là từ trong thơ luôn luôn thoát ra một ấn tượng chân thật, bắt nguồn từ những cảm giác đã "sống", từ những cảm giác trực tiếp. Và, trên cơ sở ấy tứ thơ đã chắp cánh cho thơ bay bổng.

Sư Không Lộ, con nhà làng chài, là một nhà chân tu thế kỷ 11, rất được triều đình kính trọng. Truyền thuyết bảo là nhà sư này "cao tay", có thể đi trên nước, bay giữa trời, đánh chết hổ và vật ngã "rồng". Có phần chắc là Không Lộ trước khi đi tu Phật cũng đã dày công luyện tập ít nhiều thuật pháp đạo học. Thơ của Không Lộ ca ngợi thú vị đời sống đồng quê bằng một lối chủ nghĩa trữ tình tôn giáo nhưng không hề có ý vị cửa Thiên. Nhà thơ vui mừng nhìn địa hình địa vật qua những rặng đồi núi hình rồng hình rắn uốn quanh ngôi nhà của mình. Ðó là lối nhìn của các thầy địa lý. Nhà sư trèo lên đỉnh núi cao, thở một hơi dài, và nghe như hơi của con người đã lên tới cung nhà trời trên cõi thái hư. Cũng vẫn là một cảm hứng đạo học.

Suốt mấy thế kỷ, nhiều thế hệ thi sĩ đã không ngừng khai thác tình cảm thiên nhiên như một ngọn nguồn vô tận. Là vì trước hết con người thượng lưu của thời đại là những người biết sống gần với thiên nhiên. Xa hoa chưa quấy bẩn cái giản dị của tâm hồn. Công việc chính trị bận rộn ngay cả trong thời chinh chiến cũng không hề ngăn cản con người bớt chút thì giờ để vui với cỏ cây, hoa lá, núi non, sông biển, mây, gió, trăng, sao. Và với thơ nữa. Thiên nhiên không phải là long mạch cảm hứng duy nhất, nhưng thật sự là ngọn nguồn phong phú muôn mầu, muôn vẻ.

Cảnh vật thay đổi qua bốn mùa. Cảnh thiên nhiên nhỏ, thiên nhiên lớn. Từ một vườn hoa, một bờ hồ, một đường làng, đến một rặng núi, một khúc sông, một mặt biển, một luồng gió nhẹ, một ánh trăng trong... cả một bầu không khí trong đó tâm hồn thi sĩ luôn luôn có thể tìm cho đời người những đường nét, những mầu sắc hài hòa cùng với những tình tứ chân thật mà sâu rộng, và một ý vị say sưa mà trong trẻo. Ðó là cảm giác của người đọc qua rất nhiều bài thơ chữ Hán của thời kỳ này. Lời thơ không cầu kỳ uyên bác, không tô đậm đến cường điệu. Lời thơ hết sức giản dị, nhẹ nhàng và ý nhị. Nhà thơ không hề bị trói buộc bởi sự mê tín trước vấn đề quy luật, không tìm cách múa bút hoa hòe. Ðây là lời thơ của một tâm trạng cân đối, hài hòa mà thanh cao. Con người thời đại này quả là con người biết sống một đời sống tích cực, vui vẻ, một đời sống cởi mở và phong phú, rộng rãi, sâu sắc.

Ðời sống của con người chưa hề bị lễ giáo nhà nho ràng buộc gay gắt. Trong truyền thống tư tưởng không có hiện tượng đem tự nhiên đối lập với con người. Nhân sinh quan phương Ðông chúng ta ít khi quan niệm cái tự nhiên trong bản chất con người đối lập với đại tự nhiên của vũ trụ. Tuy vậy, khi đời sống xã hội đã được uốn nắn trong những giáo điều của đạo Nho thì bản tính cùng với tự do của con người cũng càng ngày càng bị gò bó ép uổng. Nhưng quả tình lễ giáo thời kỳ này còn dành cho nhà nho một mép lề phóng khoáng.

Còn đạo Phật? Ðạo Phật Việt Nam thời này cũng lại có vẻ khoan dung hơn đời sau. Chỉ một việc các nhà sư tham gia chính trị, hoặc giả chỉ việc thầy tu làm thơ, tôi nghĩ rằng đó cũng là một điều không đúng với giáo chỉ Thích ca cho lắm, không đúng với giáo chỉ hư vô và tịch diệt. Tuy vậy, ta vẫn có thể hiểu là Phật tổ cũng là nhân vật đại từ, đại bi, cứu khổ, cứu nạn và không dè dặt khi cần xả thân cứu thế. Thì phải hành động. Một mặt nữa có tôn giáo là có lễ nghi cúng bái, có ca hát nhảy múa như vậy là không có thể không chú ý đến cái đẹp. Phải chăng vì vậy mà nhiều nhà tu hành đã yêu âm nhạc và thích làm thơ?

Sự thực thì đôi lúc người ta cũng đã có thể hiểu giáo lý, hiểu Phật pháp với một tinh thần rất "tự do". Một thí dụ về vấn đề "sát sinh". Chúng ta biết rằng ăn thịt sinh vật là phạm vào một điều cấm của Phật tổ. Nhưng... có một vị Thượng sĩ (cấp cao nhất trong trật tự nhà chùa) nguyên là một hoàng tử và anh ruột hoàng hậu, một hôm được mời về kinh thành gặp vua và hoàng hậu. Trong bữa cơm thân mật nhưng khá thịnh soạn, mọi người thấy đôi đũa nhà sư hoạt động riết trên mấy đĩa thịt. Hoàng hậu lấy làm lạ quá và hỏi:

- Theo đạo Phật sao anh lại ăn thịt?

Thượng sĩ đã trả lời bằng mấy câu kệ:

Phật tự Phật, huynh tự huynh.
Huynh dã, bất yếu tố Phật;
Phật dã, bất yếu tố huynh.
.............
Văn - Thù tự Văn - Thù,
Giải thoát tự giải thoát.


(Phật là Phật, anh là anh!
Anh không cần làm Phật,
Phật cũng không cần làm anh.
..............
Văn Thù[1] cứ Văn Thù,
Giải thoát cứ giải thoát).

Chúng ta nhớ đến chuyện một nhà "đại sư" Ðắc Tâm của Trung Quốc trong Tùy Viên thi thoại. Một hôm người ta biếu thầy bốn chục quả trứng gà. Nhà sư nuốt luôn một thôi mấy quả liền. Mọi người cười. Nhà sư đọc ngay bốn câu kệ:

Hỗn độn càn khôn nhất khẩu bao,
Dã vô bì cốt dã vô mao.
Lão tăng đới nhĩ Tây thiên khứ,
Miễn tại nhân gian thụ nhất đao.


(Cả bầu trời đất mịt mù ngoạm vào trong miệng,
Nó chưa có da, chưa có huyết, chưa có lông.
Già đây đưa chú về Thiên Trúc,
Khỏi bị người đời dao thớt phăm).

Trên một bình diện cao siêu hơn vấn đề ăn, một nhà sư Việt Nam đời Lý cũng đã viết về chí khí của mình:

Nam nhi tự hữu xung thiên chi,
Hưu hướng Như lai hành xứ hành.


(Làm trai phải có chí chọc trời,
Không nên theo đường của Thích ca).

Một nhà tu hành, lại chủ trương "không nên theo đường của Thích ca"? Thế thì thế nào?

Suýt nữa quên mất một đề tài trọng yếu theo một quan điểm phê bình. ấy là thơ trữ tình yêu đương giữa nam nữ. Thơ chữ Hán Việt Nam về phần này không phong phú lắm, nhưng không phải là không có.

Phần nhiều là thơ gửi "người ở nhà". Gửi về trong (nghĩa là gửi vợ). Tôi không có ý nêu lại đây câu chuyện về giá trị của tình yêu. Tôi chỉ muốn nói rằng: bạn đọc sẽ không thất vọng khi đọc những bài thơ về đề tài này của Thánh Tông và Nhân Tông đời Trần. Tình yêu nam nữ đã làm cảm hứng cho nhiều bài thơ rất tình tứ mà vẫn rất "trong trẻo". Tôi chỉ muốn nhắc lại đây một bài đặc biệt có ý nghĩa, vì tác giả là một nhà tu hành, một nhà sư "đạo cao pháp rộng" đã được tôn làm vị "tổ sư thứ ba" trong quốc tự đời Trần - nhà sư Huyền Quang, một ngày xuân, - ý chừng hồi này ngài còn trẻ, và cuộc gặp gỡ cố nhiên là ngẫu nhiên. Vậy, một ngày xuân nọ, nhà sư thấy một thiếu nữ rất xinh ngồi thêu. Bỗng mũi chỉ đường kim dừng lại... và từ trong lùm cây tử kinh hoa trổ rộ nghe thanh thoát tiếng hót của mấy chú hoàng ly. Nhà sư viết ngay bốn câu tứ tuyệt dưới đầu đề:

Tức cảnh ngày xuân:
Nhị bát giai nhân thích tú trì,
Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly.
Khả liên vô hạn thương xuân ý,
Tận tại đình châm bất ngữ thì.


(Ðường kim bỗng chậm lại trên tay cô nàng đẹp
mười sáu xuân xanh,
Mấy chú oanh vàng thỏ thẻ trong lùm tử kinh hoa rộ.
Thương quá đi bao nỗi lòng thương xuân vô hạn,
Ðang trút cả vào giây phút ngừng kim và im phắc).

Rất tiếc tôi chỉ có thể dịch lại bằng một thứ văn xuôi - chẳng xuôi lắm - những lời thơ rất thơ kia.

Nhưng thơ... trước hết là câu chuyện sáng tác. Và phần lĩnh hội, phần hưởng thụ là của mọi người. Nói sao cho hết? Một bài thơ dịch, họa may có thể nói lại ít nhiều ý tứ, tình cảm và những nét đẹp tạo hình của nguyên tác. Nhưng cái mà người dịch khó có thể - nếu không nói là không có thể - phô diễn lại một cách hoàn toàn, ấy là âm hưởng, là tiết tấu, là hình tượng thính giác, là chất nhạc của bài gốc.

Tôi vừa nói sơ qua một vài tâm đắc của tôi trong khi đọc thơ một thời đại, một giai đoạn thì đúng hơn. Tôi chỉ nói đến một cạnh khía trong những điều tâm đắc ấy là niềm vui của một thời đại lịch sử, khi nước nhà mới giành lại được quyền tự chủ. Tình cảm tự hào, tin tưởng, vui vẻ và tích cực, theo tôi chính là nét đặc sắc đáng quý của thơ hồi này.

Ðể trở lại vấn đề "ảnh hưởng" của thơ Trung Quốc, tôi sẽ nhắc lại đây một bài minh về cái vạc "đỉnh". Chúng ta biết rằng đỉnh là một thứ "thần khí" tượng trưng cho sự thiêng liêng của ngôi vua bên Trung Quốc. ở nước ta thường thường các chùa cổ cũng đúc vạc để tế tự. Vào cuối thế kỷ 14, một nhà nho hay chữ Việt Nam, đã viết bài minh sau đây:

Chu chi đỉnh, thần khí dã;
Việt chi đỉnh, Phật khí dã.
Thần di biến, Phật thường lạc,
Y! Hậu nhân mạc trú thác!


(Vạc nhà Chu, là đồ thần;
Vạc đất Việt, là đồ Phật.
Thần dễ đổi thay, Phật thường vui vẻ.
Hỡi người sắp tới, chớ có đúc lầm).



Nguồn: http://www.nhanmonquan.net

1. Văn Thù sư lợi (Manjũsri): theo các nhà Ấn Ðộ học, là nhà tu hành đã sáng lập hoặc đã truyền đạo Ðại Thừa ở Népal vào khoảng thế kỷ thứ ba. Có thuyết cho rằng Văn Thù đã truyền bá một triết lý mà ngày xưa đức Phật rất ghét, nhưng Văn Thù vẫn được tôn sùng trong các lưu phái Phật giáo.
Về Đầu Trang Go down
Sponsored content





Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) Empty
Bài gửiTiêu đề: Re: Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)   Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14) Empty

Về Đầu Trang Go down
 
Thơ văn Lý - Trần (thế kỷ 11-14)
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Trần Huyền Trân
» Nam Trân
» Trần Cao Vân
» Trần Danh Án
» Trần Hưng Đạo

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Thơ Tuyển Việt Nam :: Thời Lý - Trần - Hồ (1009-1427)-
Chuyển đến