Ly Tao (tt)Bản dịch thơ:Nỗi sầu ly biệt Bá Dung nhớ cha ta thuở nọ,
Vốn dòng vua về họ Cao Dương.
Tháng giêng đầu tiết xuân sang,
Cõi đời ta xuống giữa đương ngày Dần.
Buổi trứng nước ân cần chăm sóc,
Biết bao nhiêu khó nhọc công cha.
Chữ hay kén đặt cho ta:
Tên là Chính Tắc, tự là Linh Quân.
Trong ta đã mười phần lộng lẫy,
Chải chuốt càng thêm nẩy xinh tươi.
Sói ngàn nhài bãi khoác ngoài,
Tết lan thu lại làm đai đeo thường.
Sợ chẳng kịp ta càng mê mải,
Tuổi xanh nào có đợi gì ai.
Mộc lan sớm cắt trên đồi,
Ðông thanh chiều hái bên ngoài bến sông.
Ngày tháng vút đi không trở lại,
Vừa xuân qua đã lại thu sang.
Ðoái trông cỏ áy cây vàng,
Sợ con người đẹp muộn màng lỡ duyên!
Tuổi đang trẻ nết quen càn rỡ,
Thế mà không đổi sửa cho đành.
Ngựa hay cưỡi lấy, đi nhanh,
Lại đây ta chỉ cho mình đường quang.
Ðời ba vua thuở đang rực rỡ,
Các giống thơm hớn hở đua tươi.
Hoa tiêu, hoa quế lộn mùi,
Cứ gì hoa huệ được người yêu đương.
Theo đạo chính nhằm đường ngay thẳng,
Nghiêu Thuấn xưa thiệt đấng minh quân.
Cớ sao Kiệt Trụ ngu đần,
Ðâm đầu lối tắt sa chân đường cùng.
Hám vui bọn chúng không biết sợ,
Ðường tối tăm hiểm trở xiết bao.
Xe loan e lúc đổ nhào,
Phải rằng ta sợ thiệt vào đến thân!
Cố theo kịp gót chân vua trước,
Quản chi công xuôi ngược long đong.
Tình ta mình chẳng xét cùng,
Nghe lời ton hót đem lòng giận ta!
Nói thẳng vẫn biết là có hại,
Biết vậy mà nín mãi không đành!
Chín lần trời hãy chứng minh,
Chỉ vì ta quá yêu mình đấy thôi!
Trước cùng ta nặng lời hẹn ước,
Sau vì đâu đổi khác đơn sai?
Biệt ly ta chẳng quản nài,
Xót mình lòng dạ đổi dời bao phen.
Chín vườn lan lại nghìn sào huệ,
Một mình ta chăm chỉ hôm mai.
Tử tiêu bạch chỉ xen vai,
Kẹ trong đỗ nhược, bao ngoài tân di.
Mong cành lá có khi đua nẩy,
Chờ đến mùa hái lấy hoa tươi.
Bỏ rơi ta thiết chi đời,
Thấy trăm hoa chịu lạc loài mà thương!
Chúng chen chúc trên đường vụ lợi,
Tấm lòng tham, tham mãi tham hoài!
Ðem dạ mình đọ bụng người,
Sinh lòng ghen ghét, đặt lời gièm pha.
Mồi phú quý cố mà đeo đuổi,
Phải lòng ta có vội thế đâu.
Cái già sồng sộc theo nhau,
E không để được về sau tiếng lành.
Ăn hoa rụng bên nhành thu cúc,
Uống sương sa dưới gốc mộc lan.
Tình yêu khôn đẹp muôn vàn,
Khát hoài! đói mãi! phàn nàn mà chi!
Rút rễ cây ta xe sợi chỉ,
Xâu cánh hoa thiên lý xinh xinh.
Cánh lan cánh huệ trắng tinh,
Giây ngần bền dẻo tết manh áo ngoài.
Áo như thế thói đời chẳng mặc,
Ta cứ theo phép tắc người xưa.
Dẫu rằng đời có chẳng ưa,
Thì xin theo lối cũng như Bành, Hàm.
Ðời người khổ kể làm sao xiết!
Ðành than dài gạt vết lệ hoen.
Làm xinh ta khéo vô duyên,
Sớm vừa can gián chiều liền sa cơ.
Sa cơ mặc nhởn nhơ vẫn thế,
Vẫn đeo lan dắt huệ như xưa.
Lòng ta đã thích đã ưa,
Dẫu rằng chín chết có chừa được đâu.
Trách mình chẳng suy sau xét trước,
Mãi mãi không rõ được thói đời.
Chúng ghen ta có mày ngài,
Phao cho ta tiếng con người lẳng lơ.
Người đời thật đã thừa khôn khéo,
Ðua nhau theo mức vẹo thước cong.
Khuôn vuông mẫu thẳng chẳng dùng,
Cúi luồn cầu cạnh một dòng như nhau!
Một mình chịu nuốt sầu ngậm tủi,
Nói ai hay nông nỗi lúc này?
Thà cho sống đọa thác đày,
Lòng ta không nỡ để lây thói thường!
Loài chim cắt ngang tàng bay bổng,
Vốn xưa nay là giống không đàn.
Vuông tròn vốn chẳng cùng làn,
Khúc đường ai để yên hàn cho ai?
Tránh điều lỗi, mặc đời xoi mói!
Nén chí xưa, cam nỗi xót xa.
Thánh hiền xưa cũng như ta,
Thẳng ngay mà chết, ấy là chết trong!
Tiếc nhận lối mà không biết lối,
Liệu về thôi, ở lại chi lâu?
Lạc đường cũng chửa xa đâu,
Quay xe trở lại cho mau còn vừa.
Giục vó ngựa lên bờ lan dã,
Sang gò tiêu thong thả nghỉ ngơi.
Tiến ra chẳng hợp với đời,
Lui về sửa lại mặc ngoài cho xinh.
Hái sen súng, cắt manh áo đẹp,
Cắt phù dung may nếp xiêm dài.
Ðời không biết đến mặc đời,
Tình ta vẫn hẳn vẹn mười thơm tho.
Mũ ta đội xốc cho cao ngất,
Ðai ta đeo buông thật dịu dàng.
Khắp mình thơm nức sáng choang,
Ðẹp còn giữ được chất thường chưa phai.
Chợt quay lại liếc chơi, ta muốn
Ði xem cho khắp bốn cõi hoang.
Rung rinh bao thú điểm trang
Ngọt ngào càng thấy rõ ràng mùi thơm.
Ðời ai cũng riêng ham từng món,
Như ta đây chỉ muốn làm xinh.
Phân thây xé xác cũng đành,
Lòng này hồ dễ dỗ dành được sao?
Tiếng cô chị bước vào léo xéo,
Mắng ta rằng rõ khéo ngẩn ngơ,
"Bướng như chàng Cổn ngày xưa,
Bỏ mình núi Vũ bây giờ ai thương?
Sao em thích khoe khoang chải chuốt,
Riêng một mình giữ một vẻ xinh?
Ðầy nhà dây dợ, cỏ tranh,
Người ta mặc cả sao mình lại không?
Nói với chúng dễ hòng nói xiết!
Ai là người xét biết lòng ta?
Ðời đều bè đảng gian tà,
Một mình ta nói, nói mà ai nghe?"
Trong đạo thành liệu bề theo dõi,
Ðến chi đây xiết nỗi tân toan.
Sang Nam qua ngọn Tương Ngoan,
Tới đền vua Thuấn, ta than vài lời:
"Mê hát xướng kìa đời nhà Hạ,
Vua Thái Khang thỏa dạ vui chơi,
Chẳng lo chẳng nghĩ lâu dài,
Năm con mới phải lạc loài bốn phương.
Vua Nghệ chỉ ham đường săn bắn,
Say chim muông quên hẳn việc thường.
Tham vui vua Xác hoang toàng,
Cả hai đều phải thịt xương tan tành!
Ðến vua Ngáo cậy mình sức khỏe,
Chẳng giữ gìn chỉ phí ăn chơi.
Quên mình ngày tháng giông dài,
Quá ra khi đã để rơi cả đầu.
Hạ Kiệt có biết đâu đạo cả,
Lần lữa trông tai vạ đến nơi.
Vua Tân ướp món thịt người,
Cũng vì thế mới hết đời nhà Thương!
Lại xét đến Vũ, Thang, Văn, Võ
Kính mà nghiêm chẳng bỏ đạo hằng.
Cất dùng toàn bọn tài năng,
Theo khuôn giữ mực thẳng băng một chiều.
Ông trời chẳng riêng yêu ai hết,
Xem thấy ai đức nết thì nên.
Xưa nay chỉ bậc thánh hiền,
Thương dân mới được cầm quyền trị dân.
Trông sau trước xét lần sự thế,
Hãy để tâm suy nghĩ cho cùng.
Làm đâu được việc bất công!
Những phường bất nghĩa có dùng được đâu.
Lòng này nghĩ trước sau như một,
Dẫu chết ngay chẳng chút nôn nao.
Người xưa oan thác biết bao,
Theo vuông lựa có vào sao lỗ tròn.
Nức nở khóc cho buồn đầy dạ,
Tủi cho thân sinh đã lỗi thời!
Gạt sầu bứt cánh huệ tươi,
Áo khăn lã chã lệ rơi ướt đầm!
Quỳ khép áo lầm rầm khấn vái:
"Xin dốc theo lẽ phải đường ngay!"
Quay ra đạp gió rẽ mây,
Cưỡi rồng gióng phượng định ngày chơi xa.
Sớm Thương-Ngô, chiều qua Huyền Phố,
Ðến thần linh xa ngó cõi ngoài.
Chốn này muốn tạm nghỉ ngơi,
Chiều hôm bảng lảng mặt trời xuống nhanh.
"Hy Hòa hỡi nể tình ta với!
Lối non đoài chớ vội xông pha.
Quản bao nước thẳm non xa,
Ðể ta tìm kiếm cho ra bạn lòng!"
Cho ngựa uống bên đồng Dục Nhật,
Buông dây cương ở đất Phù Tang.
Nhởn nhơ chốc lát dọc đường,
Bẻ cành nhược mộc chăng ngang mặt trời.
Chị trăng phải nhanh chân tiến trước,
Dì gió cho lần bước theo sau.
Chim loan mở lối đi đầu,
Nhưng thầm sấm sét dốc hầu chưa xong!
Ta giục phượng gia công bay mãi,
Suốt ngày đêm rong ruổi cho mau.
Cơn giông bão táp theo hầu,
Cầu vồng mống cụt đem nhau đến chào.
Khắp các ngã trước sau tới tấp,
Ðủ mọi mầu trên dưới tơi bời...
Ta truyền mở cửa nhà trời!
Lính canh lại tựa cửa ngoài nhìn ta.
Người mỏi mệt trời đà sẩm tối,
Ðứng bơ phờ tay với bông lan.
Cõi đời nhơ đục muôn vàn,
Ghét tài, ghét đẹp, thói càn đã quen.
Sớm dóng ngựa qua miền Bạch Thủy,
Lên Lãng Phong ta sẽ dừng cương.
Không ai là gái đảm đang,
Trông về nước Sở gạt hàng lệ rơi.
Chơi cung Xuân này nơi thanh nhã,
Ðeo dắt thêm hai đóa hoa quỳnh.
Hoa tươi còn chửa lìa cành,
Xem ai là gái hữu tình ta đưa.
Sai thần mây đi mưa về gió,
Cung Phục Phi tìm rõ tới nơi.
Mối may ta lại cậy người,
Cởi dây đeo để ngỏ lời giao đoan.
Trải mấy độ qua ngàn vượt núi,
Bỗng dọc ngang đường lối khó thông.
Chiều hôm về nghỉ non Cùng,
Sớm ra gội tóc trên sông Vị Bàn.
Nàng cậy đẹp khinh nhờn quen thói,
Quên tháng ngày, mê mải dong chơi.
Ðẹp nhưng mất nết xin thôi,
Bỏ tìm chốn khác lấy người đoan trang.
Vùng trời rộng bốn phương man mác,
Xem khắp rồi lại bước xuống đời.
Hữu nhung trông với cõi ngoài,
Long lanh đền ngọc thấy người gái xinh.
Mượn chim trấm mối manh nói hộ,
Trấm trả lời: "Việc đó không xuôi!"
Kìa chim tu hú dại đời,
Ta còn ghét nó là loài tinh ranh.
Mình khuây khỏa lấy mình chẳng nối,
Lòng hồ nghi trăm mối vấn vương.
Chịu lời ta đã phượng hoàng,
Chỉ e ta đến sau chàng Cao Tân.
Xa tìm chốn yên thân chẳng có,
Ðành lênh đênh đây đó biết sao!
Thiếu Khang đang lúc ba đào,
Họ Kiều hai gái sánh vào vừa xinh.
Lý đã kém mối manh lại vụng,
Chỗ hẹn lời e cũng không bền.
Người đời bẩn tưởi nhỏ nhen,
Chuộng bên gian ác, ghét bên hiền tài.
Buồng the đã là nơi cách trở,
Nhà vua còn đang cữ mê say.
Ôm lòng biết ngỏ ai hay,
Bước đời nhịn mãi nước này được sao.
Chẻ nắm quẻ Quỳnh-mao làm thẻ
Mượn Linh-phân gieo quẻ nhân duyên.
Quẻ rằng: "Ao ước thì nên,
Bên tài bên sắc đôi bên cùng lòng.
Nghĩ chín cõi mênh mông rộng rãi,
Phải riêng đây có gái kén chồng?
Ðường xa xin chớ ngại ngùng,
Người xinh ai chẳng đem lòng khát khao?
Cỏ thơm kể nơi nào chẳng có,
Thương tiếc chi quê cũ nữa anh!
Quáng lòa bao kẻ chung quanh,
Dở hay ai xét cho mình nữa đâu!
Lòng yêu ghét khác nhau biết mấy!
Bọn chúng coi thật thấy lạ đời.
Cỏ hôi đeo dắt đầy người,
Hoa lan thơm ngát chê bai chẳng dùng.
Loài cây cỏ còn không phân biệt,
Giống ngọc lành xét biết đâu mà!
Phân tro xếp đống đầy nhà,
Cánh hồi cánh quế chê là không thơm"
Quẻ dạy thế, ở làm chi nữa!
Nhưng lòng còn lưỡng lự chưa đi.
Chiều nay sắp đặt lễ nghi,
Mời Vu Hàm lại ta thì hỏi han.
Chín dãy núi chập chờn đón rước,
Trăm vị thần chững chạc tới nơi.
Hào quang rực rỡ đầy trời,
Vì ta dạy hết mọi lời thủy chung.
Rằng: "Lên xuống cố công tìm hỏi,
Ai cùng mình khuôn lối như in.
Vũ, Thang kén lựa tôi hiền,
Chí Cao Dao được chúng tin yêu vì.
Quả là đẹp cứ gì tốt mối!
Giá ngọc lành há phải bán rong!
Duyệt xưa đắp đất ngoài đồng,
Vũ Ðinh tìm gặp tin dùng chẳng nghi.
Lã Vọng trước làm nghề bán thịt,
Gặp Văn Vương mới biết tướng tài.
Chăn trâu Ninh Thích hát chơi,
Tề Hoàn nghe đã cho vời làm quan.
Tuổi chưa muộn lo toan còn kịp,
Thời đang vừa thu xếp đi cho!
Véo von đề quyết gọi thu,
Trăng hoa e lúc thơm tho chẳng còn!
Vòng hoa quỳnh đẹp giòn biết mấy,
Che lấp đi ai biết vẻ xinh!
Ghét ghen chúng chẳng thương tình,
E khi giập gãy tan tành biết đâu."
Trách thời tiết thật mau thay đổi,
Nào lữa lần được mãi cho cam.
Hoa lan giờ đã hết thơm,
Hoa lài hoa huệ hóa làm cỏ tranh...
Bao nhiêu giống hương thanh sắc đẹp,
Ðều dốc đời đổi kiếp hôi tanh.
Không năng chải chuốt làm xinh,
Tại ai đâu, chỉ tại mình đấy thôi.
Lan ta tưởng đáng nơi tin cậy,
Có ngờ đâu bóng bẩy mà hư.
Theo đời bỏ vẻ đẹp xưa,
Ðua đòi cẩu thả cũng như mọi loài.
Tiêu bợ đỡ nịnh đời ra mặt,
Túi thuốc trừ nhét chặt thù du.
Ðem thân cầu cạnh bôn xu,
Còn đâu giữ được thơm tho tính trời.
Thói thường vốn theo thời thay đổi,
Ai giữ mình cho khỏi suy di!
Tiêu Lan còn chả ra gì,
Trách chi đến sói, kể chi đến nhài!
Riêng hoa quỳnh thật loài đáng quý,
Tới nay còn giữ vẻ năm xưa.
Hương còn thoang thoảng xa đưa,
Ðẹp còn nguyên vẹn vẫn như ngày nào.
Tự an ủi, theo vào mực thước,
Ngắm hoa đeo ngày trước còn xinh.
Khắp vùng trời đất mông mênh,
Tìm cho thấy bạn hữu tình mới thôi.
Linh phân dạy: "Quẻ coi tốt lắm!"
Chọn ngày lành ta sắm sửa đi.
Hoa quỳnh bẻ lấy phòng khi,
Cành thì làm bánh, cánh thì làm cơm.
Lộn ngà ngọc đóng làm xe cưỡi,
Kéo xe ta phất phới rồng bay.
Ði cho vắng mặt
khuất mày,
Lòng lìa, thế bắt thân này phải xa!
Ðường thăm thẳm trông ra quanh quất
Hãy vòng xe qua đất Côn Luân.
Vang vang nhạc ngọc thét dồn,
Mây màu lấp lánh vây tròn trước sau.
Sớm bên trời bắt đầu rong ruổi,
Chiều hôm ta tới cõi cực tây.
Trước xe đón ngựa cờ bay,
Phượng hoàng vỗ cánh tung mây tuyệt vời.
Chốc ta lại qua chơi bể Cát,
Theo dòng sông bát ngát đỏ ngầu.
Thuồng thuồng sửa bến cho mau!
Bảo Tây hoàng phải bắc cầu ta sang.
Xa thăm thẳm cõi đường hiểm trở,
Dồn các xe giúp đỡ ta cùng.
Bất Chu lối tả đi vòng,
Hẹn ngày tháng chỉ qua vùng biển tây.
Ðều tay sắp giật dây cương ngọc,
Nghìn xe cùng một lúc ra đi.
Tám rồng bay lộn trước xe,
Cờ bay phất phới bóng che rợp trời.
Hãy ngừng bước, tạm nguôi dạ tủi,
Buông thần hồn lên cõi cao xa.
Múa Thiều hát khúc Cửu ca,
Tháng ngày thong thả liệu mà làm khuây.
Cất mình khoảng trời mây rộng rãi,
Chợt ngoảnh đầu trông lại quê hương.
Ngựa buồn, đầy tớ thảm thương,
Co ro nhớn nhác, ngại đường chẳng đi.
Vãn rằng:
Thôi than tiếc làm chi cho cực!
Biết ta đâu một nước không người.
Chính lành làm sức với ai,
Bành Hàm đâu đó ta thời đi theo.
Người dịch: Nhượng Tống
1. Nguyên văn tác phẩm gồm 372 câu, tuy nhiên hai câu: "Viết hoàng hôn dĩ vi kỳ hề, Khương trung đạo nhi cải lộ" bị nghi là do người đời sau thêm vào
2. Tức vua Chuyên Húc, một trong Ngũ Đế của Trung Quốc cổ đại
3. Hai câu này có nghĩa rằng Khuất Nguyên sinh vào ngày Dần, tháng Dần, năm Dần - ứng với thời đạo con người được sinh ra trong trời đất (Người Trung Quốc cổ quan niệm: trời mở ở Tý, đất thành ở Sửu, người sinh ở Dần)
4. Chính Tắc:Nêu rõ nghĩa chữ "Bình"; Linh Quân: nêu rõ nghĩa chữ "Nguyên" - tên và tự của nhà thơ
5. Tên một thứ cây có hương thơm (trong "Ly Tao", Khuất Nguyên thường dùng tên của nhiều loài cỏ cây theo lối tỉ dụ và ẩn dụ, tùy theo văn cảnh có thể hiểu dụng ý của nhà thơ)
6. Hai câu này nghi là do người đời sau thêm vào
7. Bành Hàm: Hiền thần của nhà Ân, can vua Trụ nhưng Trụ không nghe, Bành Hàm nhảy xuống sông tự tử. Trong bài thơ này, Khuất Nguyên nhiều lần nhắc đến Bành Hàm, chứng tỏ ông rất đau khổ bế tắc và có ý cư xử theo lối của Bành Hàm
8. Về nhân vật này có nhiều cách giải thích. Quách Mạt Nhược cho rằng đây là người đàn bà đỡ đần công việc (Cụ Đào Duy Anh dịch là "bạn gái"). Có lẽ đây là người phụ tế - vì Khuất Nguyên vốn có chức trách tế tự ở tông miếu
9. Thân phụ của vua Vũ nhà Hạ. Cổn trị thủy không thành công, bị vua Thuấn giết ở núi Vũ. Khi rạch bụng Cổn, một đứa trẻ nhảy ra; vì ra đời ở núi Vũ nên được đặt tên là Vũ. Thuấn sai Vũ trị thủy, Vũ thành công, Thuấn truyền ngôi cho Vũ
10. Chỉ Ngu Thuấn, một trong Ngũ Đế của Trung Quốc cổ. Theo truyền thuyết, Thuấn là một vị thánh quân
11. Các tên: Khải, Thái Khang, Nghệ, Xác, Ngáo - đều là những nhân vật trong huyền sử Trung Quốc, có chính tích bất hảo
12. Hạ Kiệt: Vua cuối cùng của nhà Hạ, rất tàn bạo, bị nhân dân căm ghét. Thành Thang đã khởi nghĩa, diệt Kiệt, sáng lập nhà Thương
13. Tức Trụ, vua cuối cùng của nhà Thương (Ân). Trụ rất tàn ác, dâm bạo. Vương tử Tỷ Can là chú ruột của Trụ can gián, Trụ chẳng những không nghe còn mổ bụng moi tim lấy thịt Tỷ Can làm mắm. Trụ bị Vũ Vương nhà Chu tiêu diệt
14. Núi Thương Ngô tức núi Cửu Nghi, thuộc tỉnh Hồ Nam, là nơi chôn vua Thuấn
15. Ngọn núi thần trong dãy núi Côn Luân (theo truyền thuyết, núi Côn Luân là nơi cư trú đầu tiên của người Trung Quốc)
16. Theo thần thoại, Hy Hòa là người đánh xe của thần mặt trời
17. Trong thần thoại, Bạch thủy là con sông phát nguyên từ núi Côn Luân, uống nước sông ấy thì bất tử
18. Một ngọn núi trong dãy Côn Luân
19. Theo truyền thuyết, là con gái vua Phục Hy, chết đuối ở sông Lạc Thủy, thành nữ thần sông Lạc
20. Đào Duy Anh dịch là cỏ thi, là thứ cỏ quý được dùng làm thẻ để bói
21. Cửu châu: Gọi chung cả thiên hạ, vì Trung Quốc xưa chia làm chín châu: Ký, Duyên, Thanh, Từ, Dương, Kinh, Dự, Ung, Lương
22. Tức Thành Thang và Hạ Vũ
23. Hiền thần của Hạ Vũ
24. Tức Phó Duyệt. Vua Cao Tông nhà Ân cầu hiền, tìm được Duyệt đang đào đắp đất ở Phó Nham, liền rước về phong làm tướng
25. Tức vua Cao Tông nhà Ân
26. Tức Khương Tử Nha (cũng gọi là Lã Thượng, Khương Thượng), khai quốc công thần của nhà Chu, được phong ở đất Lã nên cũng lấy Lã làm họ. Lã Vọng từng làm nghề mổ thịt ở Triều Ca - kinh đô nhà Ân, đến già làm nghề câu cá ở sông Vị Thủy; gặp Chu Văn Vương được trọng dụng, sau giúp Vũ Vương diệt Trụ
27. Người nước Vệ thời Xuân Thu, nhà nghèo phải đi đánh xe thuê cho người ở nước Tề. Một hôm, Tề Hoàn Công đi chơi đêm, ra cửa Ðông thấy Ninh Thích vừa cho trâu ăn vừa gõ sừng trâu mà hát. Hoàn Công nghe câu hát cho là "kỳ nhân", bảo Quản Trọng rước về cho làm thượng khanh
28. Lan: Là thứ cây Khuất Nguyên yêu quý. Vương Dật cho rằng Lan ở đây ám chỉ Tử Lan, em ruột vua Sở Hoài Vương. Tử Lan làm Lệnh doãn (nước Sở gọi tướng quốc là Lệnh doãn), khuyên Hoài Vương đến hội kiến với Tần. Kết quả Hoài Vương bị Tần bắt làm con tin
29. Tiêu: Cũng là một thứ cây quý. Vương Dật cho "Tiêu" đây là ám chỉ Tử Tiêu, làm Lệnh doãn nước Sở đời Khoảnh Tương Vương. (Quách Mạt Nhược cho rằng cả Tử Lan và Tử Tiêu đều là học trò của Khuất Nguyên, từng được ông yêu quý nhưng về sau đã phản lại đường lối chống Tần của thầy)
30. Chỉ sa mạc ở phía tây Trung Quốc
31. Tên núi trong thần thoại, nguyên là cột chống trời ở góc Tây Bắc. Cung Công giành ngôi đế của Chuyên Húc, bị Chuyên Húc đánh bại, Cung Công bèn đập đầu vào cột chống trời để tự tử, cột bị đổ, thành núi Bất Chu. (Vì cột chống trời đổ, trời bị rách nên Nữ Oa phải luyện đá vá trời)
32. Theo truyền thuyết, Cửu Biện và Cửu Ca đều là nhạc của trời, Hạ Khải trộm được đem xuống nhân gian
33. Vũ thiều: Là điệu nhạc múa Cửu Thiều, tương truyền do vua Thuấn làm ra (Vì nhạc Thiều được coi là âm nhạc tiêu biểu của quốc gia, nên quốc ca cũng được gọi là quốc thiều)