Dương Lâm
(1851–1920)
Danh sĩ Dương Lâm, hiệu Vân Hồ, Quất Đình, tự Thu Nguyên, Mộng Thạch. Ông là con trai cụ Đô ngự sử Dương Quang, em tiến sĩ Vân Trì Dương Khuê, quê ở làng Vân Đình, huyện Sơn Lãng, phủ Ứng Hoà, tỉnh Hà Đông, nay là huyện Ứng Hoà, thành phố Hà Nội.
Năm Mậu Dần (1878), ông đỗ cử nhân, đến năm Giáp Thân (1884), được bổ làm huấn đạo huyện Ý Yên, rồi thăng làm tri huyện Hoài Yên. Ba năm sau, ông làm Bang tá Nha kinh lược Bắc Kì.
Năm Kỷ Sửu (1889), ông làm Án sát tỉnh Hưng Yên, rồi thăng làm Bố chính Sơn Tây, hàm Quang lộc tự khanh.
Năm Tân Mão (1891), ông về Hà Nội, làm chủ bút báo Đồng Văn. Năm sau, làm Tuần phủ Thái Bình.
Năm Ất Tỵ (1895), ông làm Tham tri Nha kinh lược Bắc Kì, sau đó về triều giữ chức Thượng thư bộ Công kiêm Phó tổng tài Quốc sử quán. Triều đình sửa đổi phép học, phép thi, cử ông đứng đầu ban Tu thư, cùng với Đoàn Triển, Đỗ Văn Tâm, Bùi Hướng Thành cùng soạn sách Tân giáo khoa.
Năm Canh Tý (1900), ông làm Tổng đốc Bình Định Phú Yên, hàm Thái tử Thiếu Bảo, khi về hưu được tặng Hiệp tá Đại học sĩ, mở trường dạy học ở quê nhà.
Năm Canh Thân (1920), ông mất hưởng thọ 69 tuổi, được truy tặng tước Khánh Vân Nam. Vì ông có tước Hàm Thiếu Bảo, quê làng Vân Đình nên người đương thời gọi là cụ Thiếu Vân Đình.
Ông nổi tiếng về tài văn chương, tính tình tao nhã, lại là một nhà giáo có biệt tài.
Tác phẩm: của ông có "Vân Đình thi văn tập" gồm cả thơ chữ Hán và thơ chữ Nôm, bộc lộ tư tưởng hưởng lạc, làm "lúc nhàn sau cơn say".
Nguồn: Internet