November 2024 | Mon | Tue | Wed | Thu | Fri | Sat | Sun |
---|
| | | | 1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | 8 | 9 | 10 | 11 | 12 | 13 | 14 | 15 | 16 | 17 | 18 | 19 | 20 | 21 | 22 | 23 | 24 | 25 | 26 | 27 | 28 | 29 | 30 | | Calendar |
|
feeds | |
|
| Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp | |
| | Tác giả | Thông điệp |
---|
Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 2:31 pm | |
| | |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 2:49 pm | |
| Nguyễn Nhược Pháp Con nhà văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Sinh ngày 12 décembre 1914 ở Hà Nội, mất ngày 19 novembre 1938. Học ở Hà Nội. Có bằng tú tài tây. Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều chuyện ngắn và kịch. Có viết giúp: Annam Nouveau, Hà Nội Báo, Tinh Hoa, Đông Dương Tạp Chí. Đã xuất bản: Ngày Xưa (1935). Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những màu sắc tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh. Thời xưa ở đây đã mất hết cái vẻ rầu rĩ cố hữu và đã biết cười, cái cười của những thắt lưng dài đỏ hoe, những đôi dép cong nho nhỏ. Những cảnh ấy vốn có thực. Nhưng dầu sự thực không có thì nhà thơ sẽ tạo ra, khó gì. Mặc cho những nhà khảo cổ cặm cụi tìm nguyên do câu chuyện hai vị thần dành nhau một nàng công chúa, thi nhân cứ cho là có thực và người thấy khi Thủy Tinh đã bắt quyết gọi mưa để khoe tài, thì Sơn Tinh chẳng chịu thua, liền: Vung tay niệm chú: Núi từng dải, Nhà lớn, đồi con lổm cổm bò Chạy mưa. Sáng hôm sau, Thủy Tinh cưỡi rồng vàng đến xin cưới: Theo sau cua đỏ và tôm cá, Chia đội năm mươi hòm ngọc trai, Khập khiễng bò lê trên đất lạ, Trước thành tấp tểnh đi hàng hai. Nhưng chậm mất rồi. Sơn Tinh đã đến trước. Tức quá, Thủy Tinh liền ra lệnh cho bọn đồ đệ dương oai: Cá voi quác mồm to muốn đớp, Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng. Càng cua lởm chởm giơ như mác; Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao. Ai xem những cảnh ấy mà không buồn cười. Thi nhân cũng chỉ muốn thế: kiếm chuyện cười chơi. Cũng có khi người cười những nhân vật chính người tạo ra, như cái cô bé đi Chùa Hương trong thiên ký sự chép những câu thật thà: Em đi, chàng theo sau. Em không dám đi mau, Ngại chàng chê hấp tấp, Số gian nan không giầu. Có khi chẳng còn biết người muốn cười ai. Sau khi tả cái đẹp của Mỵ Nương, người thêm một câu: Mê nàng, bao nhiêu người làm thơ, Người vờ ngơ ngẩn để kiếm cớ diễu mình chơi, hay người muốn diễu những kẻ đứng trước gái đẹp bỗng thấy hồn thơ lai láng? Lại có khi không diễu mình không diễu người, thi nhân cũng cười: cười vì một cảnh ngộ. Như khi Sơn Tinh và Thủy Tinh cùng đến hỏi Mỵ Nương, Hùng Vương sung sướng nhìn con: Nhưng có một nàng mà hai rể, Vua cho rằng cũng hơi nhiều. Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoáng thấy bóng một người đương khúc khích cười. Nhưng cái cười của Nguyễn Nhược Pháp khác xa những lối bông lơn, khó chịu của các ông tú, từ Tú Suất, Tú Xương, đến Tú Mỡ. Nó hiền lành và thanh tao. Nội chừng ấy có lẽ cũng đủ cho nó có một địa vị trên thi đàn. Nhưng còn có điều này nữa mới thật quý: với Nguyễn Nhược Pháp nụ cười trên miệng bao giờ cũng kèm theo một ít cảm động trong lòng. Những cảnh, những người đã khiến thi nhân cười cũng là những cảnh, những người thi nhân mến. Người mến cô bé đi Chùa Hương và cùng cô bé san sẻ nỗi ước mơ, sung sướng, buồn rầu. Người mến nàng Mỵ Nương. Lúc Mỵ Nương từ biệt cha đi theo chồng, người thấy: Lầu son nàng ngoái trông lần-nữa, Mi xanh lệ ngọc mờ hơi sương. rồi: Nhìn quanh khói tỏa buồn man mác, Nàng kêu: "Phụ Vương ôi! Phong-châu! Một điều lạ là những câu tình tứ như thế ghép vào bên cạnh những câu đến buồn cười mà không chút bỡ ngỡ. Cái duyên của Nguyễn Nhược Pháp là ở đó. Chắc Nguyễn Nhược Pháp không chịu ảnh hưởng A. France, nhưng xem Ngày Xưa tôi cứ nhớ đến cái duyên của tác giả Le livre de mon ami. Phải chăng Nguyễn Nhược Pháp cũng hay diễu đời và thương người như A. France? Không, nói diễu đời e không đúng. Nguyễn Nhược Pháp còn hiền lành hơn. Nguyễn Nhược Pháp chỉ muốn tìm những cảnh, những tình có thể mua vui. Dầu sao, tôi thấy Nguyễn Nhược Pháp già lắm, khác hẳn người bạn chí thân của người là Huy Thông. Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm. Người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ. Hoài Thanh - Hoài Chân. * Trích Thi Nhân Việt Nam
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 2:56 pm | |
| Nguyễn Bính Khóc Nguyễn Nhược Pháp Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp nổi danh trong trào lưu Thơ Mới những năm 30 thế kỷ trước với chất giọng tươi trẻ, hài hước, hiền lành mà có duyên như nhận xét của Hoài Thanh: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào cũng thoáng thấy bóng một người đang khúc khích cười”. Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp sinh năm 1914, mất năm 1938 tại Hà Nội, là con duy nhất của bà vợ hai nhà báo, dịch giả nổi tiếng Nguyễn Văn Vĩnh. Bà tên là Vi Thị Lựu, người dân tộc Tày, quê ở Lạng Sơn. Sau khi bà Vi Thị Lựu sinh Nguyễn Nhược Pháp, ông Nguyễn Văn Vĩnh lấy thêm vợ ba, người Pháp. Bà Vi Thị Lựu phẫn uất tự tử chết. Lúc đó Nguyễn Nhược Pháp mới hai tuổi. Nhà báo, dịch giả tài năng Nguyễn Văn Vĩnh là cộng sự về báo chí, được người Pháp trân trọng và tin dùng. Ông giữ trọng trách nhiều tờ báo lúc bấy giờ. Năm 1907, chủ bút Đăng Cổ Tùng Báo (tiếng nói của Đông Kinh Nghĩa Thục). Năm 1908, chủ bút Tờ báo của chúng ta. Năm 1909, tạp chí của chúng ta đều bằng tiếng Pháp. Sau đó làm chủ bút Đông Dương Tạp Chí, Trung Bắc Tân Văn, Học Báo. Và làm cố vấn tờ Lục Tỉnh Tân Văn trong Sài Gòn. Đặc biệt thành lập trung tâm Âu Tây tư tưởng năm 1922. Thời gian sau Âu Tây tư tưởng bị khủng bố, lập ra tờ Nước Nam mới năm 1931. Do cộng sự với Pháp, ông Nguyễn Văn Vĩnh hiểu nhiều về nước Pháp. Nhận rõ thực chất của chính sách bảo hộ, ông tỏ thái độ bất bình, phản ứng. Tư tưởng ấy bắt nguồn từ việc thành lập Trường Đông Kinh Nghĩa Thục nhằm đầu tư khai mở dân chí cho người Việt, và việc thành lập Âu Tây tư tưởng đã bị khủng bố vì nó đi ngược lại với mục đích “ngu dân” của chính quyền bảo hộ. Khi phong trào cách mạng phát triển ngày càng mạnh mẽ, rộng khắp, thế lực của thực dân Pháp suy yếu dần. Ngầm phản đối người Pháp từ lâu, ông Nguyễn Văn Vĩnh đã thể hiện bằng cách: đặt tên cho cậu con trai bà vợ hai Vi Thị Lựu là Nguyễn Nhược Pháp. “Nhược” là suy nhược. “Pháp” là nước Pháp. Ông Nguyễn Văn Vĩnh sinh được 5 người con gái, 10 người con trai, nhưngkhông ai có chữ đệm. Chỉ duy nhất Nguyễn Nhược Pháp mang chữ đệm với ý đồ như thế. Nguyễn Nhược Pháp tuy là con bà hai, nhưng luôn được các con bà cả tôn trọng gọi là anh. Vì bác Pháp học giỏi, hiểu rộng, biết nhiều lại luôn tận tuỵ kèm cặp các em học tập và giảng giải cho các em hiểu biết thêm về những kiến thức văn hoá, nghệ thuật… Nguyễn Nhược Pháp không chỉ là một nhà thơ, ông còn là nhà nghiên cứu văn học, với nhiều bài viết bằng tiếng Pháp. Chuyện kể rằng, chàng trai Nguyễn Nhược Pháp “thầm yêu trộm nhớ” một tiểu thơ khuê các, lúc ấy được coi là “mỹ nhân đất Hà Thành” (bây giờ là hoa hậu). Đó là giai nhân Đỗ Thị Bính, ở số nhà 67 Nguyễn Thái Học – Hà Nội. Bài thơ Chùa Hương được sáng tác trong thời gian này. Hôm nào Nguyễn Nhược Pháp cũng lặng lẽ đi qua số nhà 67 Nguyễn Thái Học. Tiếc rằng, số phận nghiệt ngã đã khiến ông sớm qua đời khi còn rất trẻ, tài năng đang ở độ chín. Nên đến khi ông mất cũng chưa kịp gặp tiểu thư Đỗ Thị Bính dù chỉ một lần. Bạn thân nhất với nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp từ lúc còn trẻ là nhà thơ Nguyễn Bính. Năm 1938, Nguyễn Nhược Pháp mất, Nguyễn Bính đã viết một bài thơ khóc bạn. Ngày 30-3-1991, ông Hoàng Thiếu Sơn gặp ông Nguyễn Dực, em trai nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp ở Thái Nguyên đã chép lại và giao cho ông Nguyễn Dực bài thơ này. Vì lý do nhận thức hạn chế thời kỳ đó, ông Nguyễn Dực cất bài thơ đi. Khi ông Nguyễn Dực qua đời, con trai ông là Nguyễn Lân Bình đã tìm thấy trong tài liệu của cha. Nguyễn Lân Bình coi bài thơ như một kỷ vật quý giá của gia đình, nên đã lưu giữ rất cẩn thận. Nhân đến dự ngày giỗ lần thứ 70 nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp, anh Nguyễn Lân Bình đã phô tô tặng tôi bài thơ này. Xin được trân trọng giới thiệu bài thơ: Khóc Nguyễn Nhược Pháp của nhà thơ Nguyễn Bính để chúng ta có thể thấy rõ hơn tình cảm của những nhà thơ đối với nhau quý giá như thế nào. Khóc Nguyễn Nhược PhápNguyễn Bính Buồn xao xuyến quá, sương mù Buồn xao xuyến quá, mùa thu vừa tàn Ai đem bứt hết lá vàng Dệt làm khăn liệm đám tang muôn đời Thương anh chẳng nói nên lời Giờ đây anh đã ra người ngày xưa… Ví dù còn một đường tơ Cũng xin rút nốt thành thơ khóc người Ngài xanh cắn kén bay rồi Nhả tơ xây tổ trên đời bao lăm Kéo dài số kiếp trăm năm Cũng mang một tiếng con tằm mà thôi Thương anh nói chẳng hết lời Giờ đây anh đã ra người ngày xưa…Nguyễn Giang
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:05 pm | |
| Nụ cười bí ẩn của nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp Có lẽ chăng, cái cười trong thơ Nguyễn Nhược Pháp là của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng? Nguyễn Nhược Pháp là con trai của học giả, dịch giả văn học, nhà báo lừng danh Nguyễn Văn Vĩnh. Ông sinh năm 1914, mất năm 1938, hưởng dương 24 tuổi. Nghĩa là còn vắn số hơn vài cây bút cùng thời khác, cũng mệnh yểu và rất nổi tiếng (Vũ Trọng Phụng mất năm 27 tuổi, Hàn Mặc Tử mất năm 28 tuổi). Phần tiểu dẫn về Nguyễn Nhược Pháp trong Thi nhân Việt Nam cho biết: “ Làm thơ từ năm 1932. Ngoài thơ có viết nhiều truyện ngắn và kịch”. Cho đến nay, độ lùi thời gian trên 70 năm, có thể khẳng định rằng truyện ngắn và kịch không phải là những thể loại làm nên tên tuổi của Nguyễn Nhược Pháp, mà đó là thơ. Và cũng chỉ là một tập Ngày xưa (1935) với vỏn vẹn 10 bài mà thôi. Quý hồ tinh bất quý hồ đa, 10 bài là đủ khiến Nguyễn Nhược Pháp trở thành một thi sĩ có danh trong làng Thơ Mới. Ba năm sau cái chết của Nguyễn Nhược Pháp, tác giả của Thi nhân Việt Nam đã viết về tác giả của tập Ngày xưa với những lời trân trọng: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp. Không mến sao được? Với đôi ba nét đơn sơ, Nguyễn Nhược Pháp đã làm sống lại cả một thời xưa. Không phải cái thời xưa nặng nề của nhà sử học, cũng không phải cái thời xưa tráng lệ hay mơ màng của Huy Thông, mà là một thời xưa gồm những sắc màu tươi vui, những hình dáng ngộ nghĩnh”. Dễ thấy, chữ “xưa” - phiếm chỉ một khoảng thời gian miên viễn trong quá khứ làm nền cho câu chuyện - đã xuất hiện khá nhiều trong thơ Nguyễn Nhược Pháp: “ Ngày xưa, khi rừng mây u ám / Sông núi còn vang um tiếng thần” (Sơn Tinh Thủy Tinh), “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa” (Tay ngà), “Tưởng lại cờ xưa vàng chói lọi / Nên yêu người cũ hồn trên cao” (Đi cống), “Người xưa mơ nhìn mây / Đen, đỏ, vàng đua bay” (Mây)... Trong bài thơ nổi tiếng Chùa Hương, ngay dưới nhan đề tác phẩm, tác giả chua dòng chữ: Thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Trọng tâm cảm hứng của cả tập thơ rõ ràng được đặt ở thời đã qua, chứ không phải đặt vào cái “ở đây”, “bây giờ”. Ngoài ra, Nguyễn Nhược Pháp cho thấy ông là một người kể chuyện có tài, ông đã làm sống lại thời xưa bằng những câu chuyện đầy duyên dáng của mình, dù đó là câu chuyện với cốt truyện rất đơn giản như trong Tay ngà và Một buổi chiều xuân, hay những câu chuyện ít nhiều đã có biến cố, có cao trào, có thắt nút mở nút như trong Sơn Tinh Thủy Tinh và Chùa Hương. Tay ngà và Một buổi chiều xuân là hai bài thơ có chung một môtip cốt truyện: nhân vật trữ tình mơ được gặp giai nhân. Điểm đáng chú ý ở đây là ở chỗ người mơ vào vai một nho sinh, chứ không phải vào vai một công tử con nhà quyền quý hay một thanh niên trí thức xuất thân trường Tây nào đó (không nên quên rằng Nguyễn Nhược Pháp từng học Albert Sarraut và ban Luật trường Cao đẳng Hà Nội). “Ta ngồi bên tảng đá / Mơ lều chiếu ngày xưa / Mơ quan Nghè, quan Thám / Đi có cờ lọng đưa” (Tay ngà), “Hôm đó buổi chiều xuân / Trông mây hồng bay vân / Liền gập pho kinh sử / Lững thững khỏi lầu văn” (Một buổi chiều xuân). Lều chiếu, quan Nghè, quan Thám, cờ lọng, kinh sử, lầu văn... một loạt từ như vậy xuất hiện trong văn bản, lập tức đem lại không khí “ngày xưa” cổ kính, cái ngày mà Nho học ở điểm cực thịnh, chữ thánh hiền còn quý giá hơn vàng bạc châu báu. Trong bầu không khí đặc thù được hình thành bởi giấc mơ như vậy, chàng nho sinh đã có cuộc tao ngộ tài tử - giai nhân của mình, dù chỉ trong thoáng chốc nhưng để lại dư âm bất tận. Bài Tay ngà là giấc mơ quan Nghè vinh quy bái tổ, giữa đường gặp hội gieo cầu tìm chồng của tiểu thư khuê các: “Tay vơ cầu ngũ sắc / Má quan Nghè hây hây / Quân hầu reo chuyển đất / Tung cán lọng vừa quay / Trên lầu mấy thị nữ / Cùng nhau rúc rích cười / Thưa cô đừng thẹn nữa / Quan Nghè trông thấy rồi / Cúi đầu nàng tha thướt / Yêu kiều như mây qua / Mắt xanh nhìn man mác / Mỉm cười vê cành hoa”. Đặt bài thơ này trong bối cảnh văn hóa xã hội Việt Nam nửa đầu thập kỷ 30 của thế kỷ XX, có thể nói nó thể hiện sự nuối tiếc những giá trị cổ truyền đã một đi không trở lại, nó cho thấy thái độ khước từ thực tại tư sản nhàm chán và cái tâm thế xây dựng một thế giới lý tưởng từ những dư ảnh của quá khứ. Nó cho người đọc quyền được mơ mộng một chút giữa đời thường. Nếu ở Tay ngà và Một buổi chiều xuân câu chuyện chỉ là cuộc gặp gỡ thoáng qua trong mộng, thì trong Chùa Hương, đó đã là câu chuyện của đời thường. Vẫn những nhân vật ấy, chàng nho sinh và người con gái đẹp, nhưng vì là câu chuyện của đời thường nên nó thật sinh động và thú vị. Đọc Chùa Hương, ta sẽ thấy lại cái rối rắm “tình trong như đã mặt ngoài còn e” của các cặp trai gái từ muôn đời nay mà Nguyễn Nhược Pháp đã khéo dựng lên thành các hoạt cảnh. Thoạt nhìn thấy một văn nhân “Tướng mạo trông phi thường / Lưng cao dài trán rộng”, cô gái đã đem lòng thương (yêu). Vì thương nên cô phải giữ ý giữ tứ, phải e lệ, phải “làm dáng” trước người mình thương: “Em đi chàng theo sau / Em không dám đi mau / Sợ chàng chê hấp tấp / Số gian nan không giàu”. Vì thương nên khi cha cô nói đến việc ra về, nghĩa là phải xa người thương, thì cô: “Em nghe bỗng rụng rời / Nhìn ai luống nghẹn nhời / Giờ vui đời có vậy / Thoáng ngày vui qua rồi!”. Và rồi cô khấn, rất mạnh dạn, quên sạch cả sự giữ ý: “Ngun ngút khói hương vàng / Say trong giấc mơ màng / Em cầu xin Giời Phật / Sao cho em lấy chàng”. Chàng nho sinh cũng vậy: bị “tiếng sét ái tình” ngay từ khi mới gặp, chàng đã nguyện trở thành cái bóng của người đẹp suốt hành trình trảy hội. Tất nhiên là chàng có thừa khôn ngoan để không lộ ra mục đích thật của mình, chàng viện một lý do rất dễ lọt tai: “Vì thương me quá mệt/ Săn sóc chàng đi theo”. Và rồi, trước người đẹp, dù sao thì chàng cũng không thể tránh khỏi hành vi... “tỏ vẻ”: “Khi qua chùa Giải Oan / Trông thấy bức tường ngang / Chàng đưa tay lẹ bút / Thảo bài thơ liên hoàn”. Kết bài thơ, tác giả chua thêm dòng chữ: “Thiên ký sự đến đây là hết. Tôi tin rồi hai người lấy nhau. Vì không lấy được nhau thì cô bé còn viết nhiều. Lấy nhau rồi là hết chuyện”. Bảy năm sau, trong tập Quê ngoại, Hồ Dzếnh viết: “Đời chỉ đẹp những khi còn dang dở / Tình mất vui lúc đã vẹn câu thề”. Cùng một ý, nhưng câu thơ của Hồ Dzếnh có cái vị cay đắng, chua chát, còn câu văn xuôi khép lại bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp thì lạc quan, và rất hóm hỉnh. Chả trách Hoài Thanh phải bình luận: “Đọc thơ Nguyễn Nhược Pháp, lúc nào hình như cũng thoảng thấy bóng một người đương khúc khích cười”, và: “Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm”. Nụ cười hóm hỉnh của Nguyễn Nhược Pháp còn được giữ mãi suốt bài Sơn Tinh Thủy Tinh. Nó thể hiện ở sự miêu tả thế giới loài vật vô cùng sống động. Này là cảnh bộ hạ của Thủy Tinh dâng sính lễ: “Theo sau cua đỏ và tôm cá / Chia đội năm mươi hòm ngọc trai / Khập khiễng bò lê trên đất lạ / Trước thành tấp tểnh đi hàng hai”. Này là cảnh quân tướng của thần nước xung trận: “Cá voi quác mồm to muốn đớp / Cá mập quẫy đuôi cuồng nhe răng / Càng cua lởm chởm giơ như mác / Tôm kềnh chạy quắp đuôi xôn xao”. Nụ cười hóm hỉnh ấy thể hiện cả ở việc nhà thơ đã “vui vẻ hóa” vua Hùng Vương thứ mười tám: “Nhưng có một nàng mà hai rể / Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều”. Cuối bài, để lý giải việc cứ 5 năm Thủy Tinh lại một lần dâng nước, Nguyễn Nhược Pháp hạ bút: “Trần gian đâu có người dai thế / Cũng bởi thần yêu nên khác thường”. Khi viết những câu này, hẳn nhà thơ cũng đang khúc khích cười? Có lẽ chăng, đó là cái cười của một người đã nếm trải đủ sự ấm lạnh của nhân gian và thấy rằng mọi việc trên cõi đời này đều nhẹ bẫng? Trong bài khái luận Một thời đại trong thi ca, Hoài Thanh xếp Nguyễn Nhược Pháp vào dòng “ có tính cách Việt Nam rõ rệt”. Nhưng chỉ là tạm xếp vậy thôi, vì có những điều mà nhà phê bình buộc phải thú nhận rằng mình không thể lý giải được: “ Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy? Alfred de Musset chăng? Dù sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần”. Nụ cười của thi sĩ vắn số Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ chăng, cũng bí ẩn và hấp dẫn, cũng bắt người đời phải tìm hiểu mãi không thôi, như nụ cười bất tử của nàng Mona Lisa vậy? Hoài Nam
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:10 pm | |
| Những điều chưa biết về nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp
Người đời nhớ đến tên tuổi nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với bài thơ Chùa Hương nổi tiếng. Nhưng ít ai biết rằng người thi sĩ tài hoa ấy là con trai của nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh và là một cây bút tài năng. Tiếc rằng cuộc đời đoản mệnh, ông vĩnh biệt cõi trần khi mới ở tuổi 24, để lại cho hậu thế một tập thơ mỏng mảnh duy nhất với nhan đề Ngày xưa... Hôm qua đi chùa Hương Hoa cỏ mờ hơi sương Cùng thầy me em dậy Em vấn đầu soi gương...”Mỗi khi đọc lại những câu thơ này tôi lại nhớ tới một kỷ niệm ở Paris, vào giữa những năm 90 của thế kỷ trước. Hôm đó, trong quầy bar ở tầng hầm ngôi nhà rất sang trọng tại ngoại ô thủ đô Pháp của TS Việt kiều Nguyễn Văn Tuyên (nay đã thành quá cố), diễn ra một buổi ca nhạc thính phòng của các nghệ sĩ Việt với những người bạn. Có mặt hôm đó là cố NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ, pianist Hà Ngọc Thoa từ Hà Nội tới; nhạc sĩ Phạm Duy từ Mỹ sang; nhạc sĩ, nhà nghiên cứu âm nhạc Trần Văn Khê cùng con trai và con dâu của ông là nhạc sĩ Trần Quang Hải và ca sĩ Bạch Yến, những người Việt cư trú tại Paris... Đấy là khi nhạc sĩ Trần Văn Khê vừa mới từ bệnh viện về sau một ca phẫu thuật khá nặng nên trông sắc mặt ông còn xanh xao lắm. Ấy vậy mà trong tình bằng hữu, nhạc sĩ Trần Văn Khê đã đứng dậy, gạt đi mọi nỗi mỏi mệt, hát lại ca khúc do chính ông sáng tác từ hơn nửa thế kỷ trước, bài hát Chùa Hương phổ thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Vốn quen nghe ca khúc rất được phổ biến rộng rãi do ca sĩ Trung Đức phổ nhạc và luôn cảm thấy cấn cá khi cô gái quê của Nguyễn Nhược Pháp được cho “đi đôi guốc cao cao” để leo lên chùa Hương, tôi vừa thích thú vừa kinh ngạc khi thấy thơ Nguyễn Nhược Pháp được nhạc sĩ Trần Văn Khê chuyển thành ca khúc chuẩn mực và dân gian đến thế: thơ không bị tầm thường đi bởi những câu chữ thêm vào, mà giai điệu bên trong của thơ được phát huy tới mức tối đa. Nhạc sĩ Trần Văn Khê đã biểu diễn ca khúc này rất tuyệt vời: khi hát tới những đoạn đò đi, ông đã làm động tác chèo đò thực ngoạn mục, khó mà có thể hình dung được trước đó không lâu ông đã gần như kiệt sức vì ca phẫu thuật. Dường như những câu thơ trẻ trung, nhí nhảnh mà thấm thía của Nguyễn Nhược Pháp đã thổi vào ông thêm sinh khí... Thực tiếc là ở Việt Nam hôm nay, ít người được nghe bài hát đó của nhạc sĩ Trần Văn Khê! Và cũng thực tiếc là hôm nay ở Việt Nam, chúng ta cũng không biết được gì nhiều về thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp, một tài hoa yểu mệnh. Giỏ nhà ai, quai nhà nấy Nguyễn Nhược Pháp sinh ngày 12/12/1914 ở Hà Nội. Chàng là con trai của một trong những cây bút có lẽ là vạm vỡ vào loại hàng đầu nước ta trong thế kỷ XX, nhà văn, nhà báo, dịch giả Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936), người có quê là làng Phượng Dực, Thường Tín (nay là làng Phượng Vũ, xã Phượng Dục, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây). Ông Vĩnh là một nhân vật kỳ thú của làng viết nước ta, còn chưa được hậu thế nhận thức đầy đủ. Con một người nông dân nghèo, sinh ra vào thời nước mất nhà tan, chỉ bằng trí tự thiên phú và lao động đến kiệt sức của mình, ông Vĩnh đã tạo dựng nên được một gia tài chữ nghĩa vô cùng đồ sộ mà ngay cả những người đồng thời, dù không đã đồng quan điểm với ông, cũng phải nể vì. Ông Vĩnh từng dịch nhiều tác giả Pháp cổ điển sang Việt văn, trong đó có thơ La Fontaine mà bài phổ cập nhất có lẽ là bài Con Ve và con Kiến... Ông dịch Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Pháp, rồi dịch cả những tác phẩm tiếng Hán như Tiền Xích Bích, Hậu Xích Bích sang Pháp ngữ... Ông còn là một nhà báo vào hàng gạo cội của những thập niên đầu thế kỷ XX, người góp công gây dựng nên nền báo chí Việt Nam khi đó. Theo hồi ức của nhà thơ Nguyễn Vỹ, ông Vĩnh “rất trung thực, không nịnh ai mà cũng không ưa ai nịnh mình, không tùy thời, mà chỉ tùy mình...”. Trong con mắt của nhiều người đương thời, ông Nguyễn Văn Vĩnh là tấm gương lao động nghề nghiệp đến quên mình. Nhà văn Vũ Bằng nhớ lại: “Ông Vĩnh làm việc như con trâu cày, không mấy khi muốn phiền người khác. Có một lần, tôi đã được mục kích một cảnh như sau: không biết giận gia đình gì đó, ông lên một căn gác nằm khèo, nhờ ông Tụng (bác sĩ, nhân viên đắc lực của Saigon Công thương, chuyên lo chạy tiền vay cho ông Vĩnh – TG) mua cho một mẹt bún chả ăn trừ cơm, rồi viết luôn một bài xã thuyết cho Annam Nouveau, thảo một thư cho toàn quyền Pháp đưa xuống dưới nhà đánh máy luôn, dịch miệng “Têlêmác phiêu lưu ký” cho Đông Lĩnh Dương Phượng Dực ngồi ám tả, trong khi chính ông lại quay sang nói chuyện với ông Tụng về chuyện thống sứ Pháp “có ý muốn giúp ông tiền bất cứ lúc nào, bao nhiêu cũng được”, miễn là ông tạm gác ý kiến đả kích Pháp và ngưng chống nhà vua... Cho mãi đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy có ai viết báo nhiều loại khác nhau một cách tài tình và nghĩa lý như ông Vĩnh. Ông viết tin, viết xã thuyết, làm thơ, khảo cứu, phóng sự (Volonté Indochinoise) và dịch tiểu thuyết thì quả không chê được....”. Là một người lao động sáng tạo như thế, lại ở thời nước ta còn theo tập tục phong kiến, dĩ nhiên ông Vĩnh là người đào hoa. Ông có tới ba vợ. Người vợ thứ hai chỉ sinh được một người con là Nguyễn Nhược Pháp. Năm thi sĩ của chúng ta mới lên hai tuổi, mẹ chàng vì đau đớn bởi chồng muốn cưới vợ ba nên đã tự vẫn. Thế là Nguyễn Nhược Pháp phải mồ côi mẹ từ đó... Sống với một người cha tính tình có lẽ là phóng túng, cậu bé mồ côi mẹ Nguyễn Nhược Pháp mặc dù được chăm lo về vật chất nhưng chắc là trong thẳm sâu tâm hồn chàng luôn có một nỗi trống vắng nào đó. Chàng được cha cho ăn học đàng hoàng, đậu tú tài rồi vào Trường cao đẳng Luật khoa. Tuy nhiên, giống như cha, chàng không thích đi làm quan mà chỉ mê mải văn thơ báo chí. Ngoài thơ, Nguyễn Nhược Pháp còn viết truyện ngắn và kịch... Khác nhiều bạn cùng làng văn thuở đó, Nguyễn Nhược Pháp sống rất hồn nhiên và trong sáng: chàng không hề nghiện ả đào và thuốc phiện! Hóm hỉnh nhìn đời Ông Nguyễn Văn Vĩnh là một người cao lớn, bệ vệ, nhưng Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao có 1,52 m thôi, giống như những người bạn mà chàng hay giao lưu như Nguyễn Vỹ, Phạm Huy Thông... Thế nhân biết chàng như một người lúc nào cũng hay mủm mỉm cười, cái miệng như móm. Chàng cũng là người hay nói, niềm nở, lịch thiệp với mọi người. Đặc biệt, ai cũng quý chàng vì khiếu khôi hài và giọng điệu “rủ rỉ như cô gái bẽn lẽn trên đường đi chùa Hương”. Người làm sao, thơ làm vậy, tập Ngày xưa xuất bản năm 1935 của chàng thể hiện rất rõ một phong cách Nguyễn Nhược Pháp vô tiền và khoáng hậu trong thơ Việt Nam. Đây là tập thơ chỉ có trên dưới chục bài, toàn viết về những gì “vang bóng” từ lâu lắm rồi nhưng đã làm nên một kỳ tích mà Hoài Thanh và Hoài Chân đã nhận xét trong cuốn Thi nhân Việt Nam: “Thơ in ra rất ít mà được người ta mến rất nhiều, tưởng không ai bằng Nguyễn Nhược Pháp”. Bằng con mắt già trước tuổi của một người luôn giữ được cái nhìn non xanh vào cuộc sống, Nguyễn Nhược Pháp đã vẽ nên được diện mạo thời xưa đầy mơ mộng, hóm hỉnh và trìu mến... Bài Sơn Tinh, Thủy Tinh mà chàng viết tặng người anh cùng cha khác mẹ Nguyễn Giang là một thí dụ. Chàng đã kể lại tích cổ bằng những chi tiết thực lôi cuốn. Thí dụ như cách hành xử của Mỵ Châu khi chứng kiến cảnh Sơn Tinh và Thủy Tinh tỉ thí với nhau: Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu, Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa (Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu, Nhưng thật dễ thương): “Ô! Vì ta!”.
Khổ kết bài thơ cũng đầy tinh tế và vui tính: Thủy Tinh năm năm dưng nước bể Giục núi hò reo đòi Mỵ Nương. Trần gian đâu có người dai thế, Cũng bởi thần yêu nên khác thường.Điểm sáng nhất trong tập Ngày xưa có lẽ là bài Chùa Hương, thiên ký sự của một cô bé ngày xưa. Nhà thơ Nguyễn Vỹ kể lại: “Bài thơ Chùa Hương là bài khá nhất trong tập thơ Ngày xưa, có một lai lịch kỳ thú không ngờ. Chuyến đi Chùa Hương ấy, Nhược Pháp đi với tôi và hai cô gái nữa, đều là nữ sinh cả. Hai cô mang theo hai máy chụp hình, còn Nhược Pháp và tôi đều đi tay không. Trèo lên đến rừng mơ bỗng chúng tôi gặp một bà cụ vừa bước lên đèo, đường gồ ghề lởm chởm, vừa niệm: “Nam mô cứu khổ cứu nạn Quán Thế âm Bồ tát...”. Cô gái quê có lẽ là con của cụ, cũng đang niệm câu ấy nhưng nửa chừng trông thấy chúng tôi là hai chàng trai nhìn cô trân trân thì cô bẽn lẽn làm thinh không niệm Phật nữa. Cô đang đọc: “Nam mô cứu khổ cứu nạn...” rồi cô im. Đôi má cô đỏ bừng, cô cúi mặt xuống. Hai đứa tôi hỏi cô: “Tại sao trông thấy chúng tôi, cô không niệm Phật nữa? Cô gái quê có vẻ đẹp ngây thơ bỗng tỏ vẻ bối rối muốn khóc”. Không ngờ hai cô bạn nữ sinh lên chụp được tấm hình hai đứa tôi đang hỏi chuyện cô gái quê, rồi có lẽ không bằng lòng chúng tôi nên hai cô lén đi trước, và đi lúc nào chúng tôi không hay biết, cũng chẳng nói năng gì với chúng tôi cả, bỏ chúng tôi ở lại với cô gái quê. Chúng tôi mê nói chuyện với cô này, một lúc sực nhớ lại hai cô bạn, chúng tôi vội vàng đi theo nhưng không kịp. Hai cô đã lên đến chùa Ngoài, rồi lên đến chùa Tiên Sơn, lẫn trong đám đông người, biến mất dạng. Đêm ngủ trong chùa Hương, sáng hôm sau ra về, chúng tôi mới gặp lại hai cô bạn đồng hành. Tôi phải xin lỗi mãi, nhưng Nhược Pháp cứ tủm tỉm cười không nói. Về Hà Nội, hai hôm sau, Nhược Pháp đem đến tôi bài thơ Chùa Hương, mà trong bản chép ra đầu tiên Nhược Pháp đề là Cô gái Chùa Hương. Nhược Pháp lấy cuộc gặp gỡ lý thú của chúng tôi với có gái quê làm đề tài và tưởng tượng thêm ra, thành bài thơ đẹp, giọng ngây thơ, y như cô gái chùa Hương hôm ấy... Trong tuần ấy, anh góp các bài thơ của mình, thành một quyển. Anh đưa tôi và hỏi: - Có nên xuất bản không? - Nên! - Nhưng tiền đầu? - Nhược Pháp cười móm mém. - Xin ông cụ. - Thôi, tôi mà đưa ông cụ xem cái của nợ này, thì chắc chắn là ông cụ sẽ vứt nó vào sọt rác. - Đưa bà cụ vậy. - Ừ, phải đấy! Một tháng sau, quyển thơ Ngày xưa ra đời. Sách in xong mà Nguyễn Nhược Pháp vẫn rụt rè, chưa dám đưa cụ Nguyễn Văn Vĩnh xem, chỉ sợ cụ vứt vào sọt rác”. Nghe nói, sinh thời Nguyễn Nhược Pháp có yêu một thiếu nữ tên là Thanh nhưng cuộc gặp gỡ tình cờ ấy cũng đã không mang lại được một cái gì hiện hữu cho cuộc đời thật của chàng. Người thơ, yêu cũng như sương khói, chỉ có những suy tư, cảm xúc được biến thành vần điệu là ở lại lâu dài với hậu thế mà thôi. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vào ngày 19/11/1938. Thi nhân đôi khi cũng như danh tướng và mỹ nữ, “bất hứa nhân gian kiến bạc đầu” Hoàng Nguyên
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:20 pm | |
| Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Nhưng mà thôi, một "Chùa Hương" có lẽ cũng đã đủ vị thế trong chốn thơ thiêng thấm hồn dân tộc. Tuần vận vũ trụ của trời đất này còn mùa xuân còn Giêng Hai, non nước này còn chùa Hương thì người ta còn nhắc đến "Chùa Hương" của Nguyễn Nhược Pháp!Bây chừ đang cữ Giêng Hai của mùa xuân xứ Bắc ngồi đò mộc từ đền Trình ngược dòng suối Yến về Chùa Hương, ngắm những tàn hoa gạo đang sắp bung ra những vệt son chon von trên sườn đá, tôi cứ một mực gẫm rằng, những gốc gạo cổ thụ ấy thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã ngắm từ những năm lẩu lâu rồi để có bài thơ Chùa Hương bâng khuâng mãi cho mai hậu? Như Hoài Thanh đã từng hoài nhớ luyến tiếc, đại ý rằng cái người mà thơ in ra nào có bao nhiêu nhưng được người ta mến hơn cả ấy là Nguyễn Nhược Pháp! Cái năm lẩu lâu rồi ấy là bao nhiêu? Nếu cứ căn cứ hẳn về những chi tiết trong cuốn Văn sĩ thi sĩ tiền chiến của nhà thơ Nguyễn Vỹ ( tác giả Sương rơi/ Nặng trĩu/ trên cành/ Dương liễu... hai từ một câu mà Hoài Thanh- Hoài Chân đã nhiệt thành biểu dương trong Thi nhân Việt Nam. Nguyễn Vỹ hơn Nguyễn Nhược Pháp 4 tuổi, người xứ Quy Nhơn nhưng nổi danh lại ở Hà thành và sau này càng nổi tiếng hơn với Gửi Trương Tửu) thì ta cũng mang máng xác định được thời điểm ra đời của bài Chùa Hương khoảng năm 1934 hay 1935 chi đó... Đại để thế này: Chuyến đi chùa Hương vào tháng Giêng Âm lịch ấy, có Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ cùng hai cô bạn (không rõ đây có phải là người yêu của hai chàng?). Hai cô này thuộc dạng tân thời chắc con nhà khá giả nên một trong hai cô đem cả máy ảnh. Mà máy chụp hình khi đó là của hiếm... Qua đò suối Yến là cả nhóm bắt đầu xuyên qua rừng mơ (Ôi rừng mơ thuở ấy nay còn đâu?). Trên lối mòn khúc khuỷu cây đá gập ghềnh, cả bọn gặp một cụ bà cùng một cô gái độ tuổi trăng tròn bận quần lĩnh áo the đang dắt cụ bà (không rõ là bà hay mẹ?) cả hai cùng khe khẽ niệm Phật. Cả bọn vượt lên nhưng không hiểu sao Nguyễn Nhược Pháp sững lại bên hai người thì cô gái bặt luôn tiếng niệm Phật. Nguyễn Nhược Pháp khẽ hỏi tại sao cô không niệm tiếp đi, nghe hay lắm... Cô gái nọ đỏ bừng mặt e thẹn cúi đầu không nói chi... Vừa lúc ấy, một trong hai cô bạn có máy ảnh quay ngược lại thấy cảnh ấy liền bấm máy! Từ khi đó đến lúc qua chùa Tiên Sơn rồi tối ấy ngủ lại trong chùa sáng hôm sau mới về, cả bọn đều không gặp lại bà cụ với cô gái nọ. Cả hai cô lại có ý phiền trách thậm chí lạnh nhạt với Nguyễn Nhược Pháp và Nguyễn Vỹ về động thái người đâu gặp gỡ làm chi ấy... Nhưng về đến Hà Nội, cô vẫn đưa tấm ảnh ghi lại cái cảnh Nguyễn Nhược Pháp đứng bên cô gái quần lĩnh áo the đó! (Tôi có hỏi kỹ ông Nguyễn Hồ, con út bà cả cụ Vĩnh và anh Nguyễn Lân Bình con ông Nguyễn Dực con trai cụ Vĩnh hiện đang lưu giữ nhiều tư liệu về cụ Nguyễn Văn Vĩnh thì cả hai cho biết không có tấm ảnh ấy trong bộ sưu tập hiện có của gia đình! Chao ôi, giá như bây giờ tấm ảnh đó đang có may mắn được ai cất giữ?). Nhưng khi đó Nguyễn Nhược Pháp đâu có ỏ ê chi đến tấm hình. Mà chàng đang bận tâm về một việc khác. Chàng đưa bài thơ Chùa Hương viết chưa ráo mực cho Nguyễn Vỹ. Chàng tưởng tượng thêm ra bao nhiêu sự kiện từ cái cảnh gặp gỡ bất chợt nọ và lấy làm thú vị lắm... Bài thơ lúc đầu có tên là Cô gái chùa Hương, sau đó đưa vào tập Ngày xưa bỏ hai chữ đầu còn lại là Chùa Hương. Ngay hôm ấy Nguyễn Nhược Pháp ngỏ ý với Nguyễn Vỹ đưa bài thơ đó vào một cuốn thơ của riêng mình mà lâu nay Nguyễn Nhược Pháp đang có ý xuất bản. Nhưng khi đó đang kẹt tiền. Nguyễn Vỹ gợi ý là xin ông bố (tức cụ Nguyễn Văn Vĩnh). Nhưng Nguyễn Nhược Pháp e dè sợ ông cụ rầy trách rồi vứt vào sọt rác khi biết Nguyễn Nhược Pháp làm bài thơ ấy! Nguyễn Vỹ lại mách nước thế thì xin cụ bà vậy? Nguyễn Nhược Pháp đồng ý. Và tập thơ Ngày xưa của Nguyễn Nhược Pháp, trong đó có bài Chùa Hương ra đời năm 1935. Như thế nào nhỉ? Cụ bà nào vậy? Tập thơ đầu tay và duy nhất của Nguyễn Nhược Pháp ra đời cách thời điểm thân mẫu thi sĩ mất khá chi là xa, lúc thi sĩ mới lên hai tuổi? Lại nói về cái khách sạn ở phố Hàng Trống, một trong những gia sản chỉ là con con trong gia tài của một ông chủ nhà in Trung Bắc Tân Văn lớn nhất xứ Bắc Kỳ Nguyễn Văn Vĩnh. Là địa danh gặp gỡ giao du của những tao nhân mặc khách và những người có máu mặt của Hà thành và mỗi khi về Hà thành thời ấy, người đẹp Hai Lựu cũng đã lọt vào mắt xanh của ông chủ bút kiêm xuất bản hào phóng Nguyễn Văn Vĩnh. Tôi đã hỏi kỹ ông Hồ lẫn anh Nguyễn Lân Bình rằng tại sao trên bàn thờ gia tộc có ảnh rất nhiều người nhưng không thấy sự hiện diện của bà Hai Lựu tức là bà hai cụ Vĩnh là thân mẫu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp? Nhưng tất thảy đều lấy làm tiếc hình như đã bị thất lạc từ lâu? Cả hai cũng cho biết đến bây giờ chưa có ai biết họ tên thật của thân mẫu nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp cũng như xuất xứ quê quán! Chỉ biết khi ấy bà là một người đẹp có danh phận, là con gái yêu của một thổ ty giàu có ở mạn ngược đâu như vùng Lạng Sơn. Và nghe đâu bà có họ gần với Tổng đốc người Tày Vi Văn Định? Sau này, do nhiều nguyên nhân, hậu duệ cụ Vĩnh trong đó có ông Hồ đã không có điều kiện để tìm hiểu gốc gác của bà Hai Lựu là mẹ kế của mình. Chỉ biết khi ấy, người đẹp có tên là Hai Lựu này người cao ráo, trắng trẻo, giao du rất rộng, nói thạo tiếng Pháp ... Ông Hồ còn đặc biệt nhớ một chi tiết đặc biệt là bà Hai Lựu sử dụng súng ngắn rất thành thạo! Điều trớ trêu là khi đã thành thân với cụ Vĩnh, do các mối giao du khá rộng nên bà Hai Lựu khá thân với bà Suzanne và đâu như đã một lần giới thiệu với cụ Vĩnh người bạn thân của bà tức là người đẹp Suzanne như bài trước đã nói! Lắm loài súng sính có đôi/ Nòi tình thui thủi đi về một-không (thơ Hoàng Cầm) không biết có vận vào trường hợp này không nhỉ? Trời cho cái giống đa đoan lẫn phong tình như cụ Vĩnh thì làm sao để tuột mất người đẹp Suzanne? Kha khá những tờ báo đứng đắn lẫn lá cải Hà thành thời ấy hình như đã lờ lớ lơ một sự kiện vợ kế cụ Vĩnh - bà Hai Lựu dùng súng ngắn đáp xe sang trang trại nổi tiếng của Suzanne bên Gia Lâm định phải quấy một phen với chính người bạn thân của mình. Nhưng ông con út cụ Vĩnh móm mém cái cười của tuổi tám mươi rằng cũng ghê cho bà này bởi ghen thế nhưng nghĩ sao đó, phần để giữ thanh danh cho cụ Vĩnh, phần chợt trỗi chút thiên lương đã hạ súng. Nhưng thương ôi, người đẹp Hai Lựu đã chọn cho mình một cái chết tức tưởi và bỏ lại cậu con trai dĩnh ngộ khi đó mới lên hai tuổi chính là thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp của chúng ta. Chết cha ăn cơm với cá/ Chết mẹ liếm lá đầu đường... Mồ côi mẹ, nhưng cậu bé Nguyễn Nhược Pháp may được lọt trong vòng tay thân ái của bà vợ cả cụ Vĩnh... Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cao to phương phi nhưng cứ như những lưu bút của nhà thơ Nguyễn Vỹ, thì thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp chỉ cao 1,52 m. Khác với phụ thân luôn có chất giọng khoáng đạt oang oang thì anh con trai thường lặng lẽ có cái miệng mới ngó như mom móm may có cái khiếu khôi hài kéo lại. Cũng nói thêm chi tiết này, bồ chữ thiên hạ cụ Vĩnh không biết sở hữu bao nhiêu và được coi là người thông thạo nhiều ngoại ngữ đặc biệt là chữ Hán, Pháp nhưng cụ lại cực kỳ bình dân trong việc đặt tên cho con cái. Ông con thứ Nguyễn Giang (bạn thân của Picasso, sẽ nói ở một bài khác) sinh ở Bắc Giang. Ông con thứ nữa tên là Nguyễn Dực sinh ở làng Phượng Dực quê nhà. Một ông thứ khác tên là Nguyễn Phổ sinh vào thời điểm chiến tranh Pháp - Phổ. Ngang tàng hay bình dân chả biết, nhưng cụ Vĩnh sau lần đi Pháp vào năm 1906 lẫn coi xét cục diện cuộc chiến tranh lần thứ nhất, cụ Vĩnh đã phán một cục diện một sự kiện động trời của thời cuộc bằng cái từ nước Pháp yếu và đặt luôn cái tên cho cậu con trai sinh cuối năm 1914 chứ đâu phải như sau này có người tán rằng, tên thi sĩ chính là sự hội đủ của một tư tưởng quan trọng lẫn chủ đạo của triết học Trung Hoa, phàm người ta muốn đạt mục đích gì phải lấy cái nhu để xử thế với cương lấy yếu để ứng phó với cái mạnh?! Cậu bé được cha mẹ coi sóc cẩn thận cho học hành tử tế. Bằng cớ là Nguyễn Nhược Pháp sau khi đậu tú tài rồi vào trường Cao đẳng Luật Đông Dương. Hình như nối chí hay có gien ông thân, Nguyễn Nhược Pháp không sung vào bất kỳ ngạch quan lại lẫn công chức nào mà đi làm văn làm báo... Truyện ngắn và kịch của Nguyễn Nhược Pháp có lẽ không phổ biến rộng và nổi tiếng bằng thơ? Ngoài Chùa Hương, Nguyễn Nhược Pháp còn có bài thơ khá nổi Tay Ngà và Sơn Tinh Thủy Tinh viết tặng ông anh cùng cha khác mẹ là Nguyễn Giang... Tôi đồ rằng, có lẽ Nguyễn Nhược Pháp cố hữu là một người nhân hậu. Đã đành thường trực cái bản tính cái thiên lương đó nên mới man mác tinh tế thuần hậu muôn đời phong tục Việt để mai hậu lòng người, dù bất kể thời nào cũng chùng lại cân bằng lại với Chùa Hương? Và trong Sơn Tinh Tuỷ Tinh cũng vậy, người ta dễ mà cao đàm khoát luận triết lý lằng nhằng này nọ về mối thù dai dẳng truyền kiếp nhưng Nguyễn Nhược Pháp đã thấp thoáng chút umua làm cho nó nhẹ nhõm lên bao nhiêu Trần gian đâu có người dai thế/ Cũng bởi thần yêu nên khác thường! Nhưng mà, nhưng mà... Cho dù vô tâm lẫn nhân hậu, cho dù cái tuổi hai mươi chưa đủ độ lắng lẫn sự chiêm nghiệm này khác nhưng tôi dám chắc cái chết tức tưởi của người mẹ thân yêu ấy ít nhiều có ám vào chàng trai vốn có tâm hồn nhạy cảm kia? Nhưng may (hay dở đây) tuyệt nhiên trong sáng tác của Nguyễn Nhược Pháp, không lề vương vất hay hệ luỵ lẫn ám ảnh cái chết bất đắc kỳ tử của mẹ chàng! Hay là đấng Cao Xanh ghen ghét chi đây mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ bất hứa nhân gian kiến bạc đầu (người đẹp lẫn tướng tài, chớ để cho thiên hạ thấy đầu mình bạc) bắt người tài hoa ấy đi sớm khi Nguyễn Nhược Pháp mới tròn 24 tuổi để Nguyễn Nhược Pháp không đủ quỹ thời gian để chi dùng cho việc đôi hồi chiêm nghiệm? Nhưng ai cũng như có trời mà biết sẽ như thế nào nếu Nguyễn Nhược Pháp thọ đến 70 và thêm nữa, Vũ Trọng Phụng 80 tuổi? Mà Nguyễn Nhược Pháp 24 tuổi, cũng như Vũ Trọng Phụng đã cháy hết cháy sáng đời mình ở tuổi 27 rồi... Năm 1935, hai mươi hai tuổi, danh đang nổi với tập Ngày xưa. Cái chết bất đắc kỳ tử của ông cụ thân sinh năm 1936 và gia cảnh cái đại gia thế ấy bỗng dưng sa sút chừng như khiến cuộc đời thi sĩ trẻ tài hoa này ngoặt sang một hướng khác? Từ thời điểm năm 1935 cho đến khi mất, 3 năm sau, Nguyễn Nhược Pháp không có thêm tập thơ nào cũng như một bài nào nổi? Hoặc giả Nguyễn Nhược Pháp không viết hay rẽ ngang kiếm một nghề chi khác kiếm sống? Đây có lẽ cũng là một khúc khuất trong cuộc đời Nguyễn Nhược Pháp mà kể cả người gần gụi Nguyễn Nhược Pháp về mặt tinh thần cũng không đề cập đến trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến? Nhưng mà thôi, một Chùa Hương có lẽ cũng đã đủ vị thế trong chốn thơ thiêng thấm hồn dân tộc. Tuần vận vũ trụ của trời đất này còn mùa xuân còn Giêng Hai, non nước này còn chùa Hương thì người ta còn nhắc đến Chùa Hương của Nguyễn Nhược Pháp! Xuân Ba
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:26 pm | |
| Thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp và “Người đẹp áo đen” "Người thơ" khiến thi sỹ Thơ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp mới có cảm hứng để viết bài "Chùa Hương", cô gái "khăn mỏ, đuôi gà cao" trong suốt hành trình hành hương cõi Phật, ngoài đời chính là giai nhân Đỗ Thị Bính - một trong tứ mỹ nữ Hà thành xưa nổi tiếng vì sự tinh tế trong trang phục và cách ứng xử, từng làm mê đắm biết bao trái tim. Tôi đã may mắn được gặp lại hậu duệ của "người đẹp áo đen" đã trở thành huyền thoại… Kiều nữ của nhà tư sản thầu khoán lớn nhất Hà thành Giai nhân Hà thành Đỗ Thị Bính sinh năm 1915, tại ngôi nhà số 37 Hàng Đẫy bây giờ. Phố Hàng Đẫy bây giờ đã được đổi tên thành phố Nguyễn Thái Học. Căn nhà số 37 cũng được đổi thành số nhà 67. Ngôi nhà xưa không có thay đổi, theo lối kiến trúc của Pháp dành cho những gia đình thượng lưu thời bấy giờ. Trước nhà, giàn hoa hồng gai vẫn còn đó, như là những chứng tích hiếm hoi gắn liền với những câu chuyện về tuyệt thế giai nhân. Đỗ Thị Bính là một trong 19 người con của nhà tư sản Đỗ Lợi, nhà thầu khoán thuộc hàng lớn nhất Hà Nội trước năm 1930 và là một trong những thành viên của dòng họ Đỗ "Bá Già" (thôn Tiên Lữ, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Cụ Đỗ Lợi (1893-1961) trước năm 1945 là nhà tư sản kinh doanh ngành xây dựng và vật liệu xây dựng. Thân sinh ra cụ Đỗ Lợi là cụ Đỗ Văn Kỳ, tự Phúc Thiện. Cụ Đỗ Văn Kỳ là Chánh tổng thời cũ, là người mẫn thế, nhìn xa trông rộng và rất gần gũi với mọi người, nên dân quý mến gọi là cụ Bá Già. Các con của cụ, trong đó có cụ Đỗ Lợi, đều ra Hà Nội lập nghiệp và thành đạt ở trong và ngoài nước. Tốt nghiệp tú tài, cụ Đỗ Lợi rời quê lên lập nghiệp tại đất kinh kỳ vào những năm đầu của thế kỷ XIX. Lên Hà Nội, cụ Đỗ Lợi lấy bà Nguyễn Thị Quỹ, một người con gái xinh đẹp, sắc sảo làm nghề buôn bán tại Phà Đen, làm lẽ. Đỗ Thị Bính là người con đầu trong ba người con của cụ Lợi và cụ Quỹ. Với tài thao lược của cụ Quỹ, sự nghiệp, tiền tài của nhà tư sản Đỗ Lợi bắt đầu "phất" lên nhanh chóng. Năm 1930, cụ Đỗ Lợi mua lại xưởng gạch hoa Vạn Cẩm của một Hoa kiều (ở giữa ngõ Văn Hương, nay là số 95 Tôn Đức Thắng). Gọi là trại vì xưởng gạch nằm trong khuôn viên rất rộng, trong đó có một hồ lớn có diện tích chỉ kém hồ Văn Chương. Vừa sản xuất gạch hoa, cụ Lợi vừa nuôi ngựa đua. Xung quanh hồ cụ trồng dừa, nhãn và trồng cỏ đủ cho việc nuôi và huấn luyện ngựa cho tới tận năm 1945. Dân ở đây gọi địa điểm này là trại Đỗ Lợi, trong đó có hồ Đỗ Lợi. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc trong cuốn "Phố và đường Hà Nội" (Nhà xuất bản Giao thông Vận tải 2004) có nhắc đến chi tiết này. Ngách 28, ngõ Văn Hương ngày nay, người dân vẫn gọi là ngõ Đỗ Lợi, và đã có một thời kỳ dài chính quyền treo bảng mang tên cụ. Hồ Đỗ Lợi sau nhiều năm bị lấn chiếm, nay đã thành khu dân cư. Di tích hồ còn lại hiện nay là một sân chơi rộng khoảng 500m2 ở hẻm 28/39 ngõ Văn Hương. Công việc kinh doanh phát đạt. Cụ Đỗ Lợi chuyển sang lĩnh vực thầu khoán. Có tới gần 20 công trình lớn nhất Hà Nội khi đó đều do cụ Lợi làm chủ thầu. Cách mạng tháng 8 năm 1945 thành công, cụ Đỗ Lợi hồ hởi đón chào chế độ mới. Trong tuần lễ vàng góp phần kiến quốc, cụ đã làm Chủ tịch Tuần lễ vàng khu Văn Miếu cũ và tham gia góp 45 lạng. Hoà bình lập lại, từ năm 1954, gia đình cụ Đỗ Lợi ở lại Hà Nội và trong những đợt cải tạo công thương nghiệp, cụ đã hiến 18 ngôi nhà cho Chính phủ. Trong 3 người con giữa cụ Đỗ Lợi và cụ bà Nguyễn Thị Quỹ, Đỗ Thị Bính là người con gái cả xinh đẹp nết na, là sắc nước hương trời Hà thành thuở đó. Dưới Đỗ Thị Bính là người em trai có tên Đỗ Huân. Sau này, Đỗ Huân đã trở thành một tên tuổi lớn trong làng nhiếp ảnh Việt Nam, người đầu tiên nhận giải thưởng ảnh quốc tế cho tác phẩm "Hạnh phúc" và cũng là người trực tiếp lưu giữ những hình ảnh về thời xuân sắc của người chị gái xinh đẹp bậc nhất Hà thành, Đỗ Thị Bính, lúc bấy giờ. Sinh thời, bà Bính có thói quen mặc đồ đen. Có lẽ, đó cũng là lý do để người đời gọi bà là "người đàn bà áo đen". Áo dài tay hay áo ngắn tay, tuyền là gam màu đen sang trọng. Sự tinh tế của người đẹp thường biết sử dụng những màu quần áo thích hợp để tôn lên vẻ đẹp của mình, dù nhiều lúc đó là những trang phục giản dị và dân dã. Màu đen đã làm cho vẻ đẹp của bà Bính thêm vẻ huyền bí, tôn thêm làn da trắng và sự sang trọng, nghiêm trang của người đẹp. Cuộc đời bình dị của người đẹp Hà thành Bà Bùi Thị Mai, con gái ruột của người đẹp Đỗ Thị Bính kể lại: mặc dù là người có vẻ đẹp nhất nhì Hà thành khi đó, thế nhưng, người đẹp không hề có tính kiêu sa của những tiểu thư khuê các. Trái lại, bà Bính nhất mực hoà đồng, giản dị và gần gũi với mọi người. Thuở ấy, người đẹp cũng ý thức được nhan sắc của mình, cũng hiểu được vẻ đẹp ấy đã làm mê đắm biết bao nhiêu trái tim đắm đuối. Thế nhưng, ý thức của một người có học vấn, lại được sống trong một gia đình khoa bảng nền nếp, được dạy dỗ tam tòng tứ đức, công dung ngôn hạnh ngay từ nhỏ..., cách ứng xử của người đẹp cũng rất mực ý tứ. Bà Bính không coi vẻ đẹp của mình như là một thứ "vũ khí"... Đấy cũng là một trong những điều làm nên nét thanh lịch của người Tràng An văn vật. Đang học lớp 4 tại trường Tây, một buổi chiều tan học, trong lúc mải ríu rít với bè bạn, Đỗ Thị Bính suýt bị một chiếc xe hơi cán phải. Lo lắng cho cô con gái rượu, người cha là nhà tư sản giàu có nhất nhì Hà Nội, cụ Đỗ Lợi, đã không cho người đẹp đến trường mà mời thầy về nhà để dạy riêng. Với tư chất thông minh và sự ham học, bà Bính đã tự mình trang bị cho mình những tri thức, xứng đáng là người tài sắc vẹn toàn. Trước 1930, phố Nguyễn Thái Học ngày nay mang tên phố Hàng Đẫy. Gần đó là khu Văn Miếu, là nơi cậu công tử Nguyễn Nhược Pháp, con trai của nhà học giả Nguyễn Văn Vĩnh ở đó. Si tình trước bóng giai nhân, Nguyễn Nhược Pháp ngày nào cũng lấy cớ đi qua nhà người đẹp. Thế nhưng, tuyệt nhiên, hai người chưa một lần gặp mặt, dẫu rằng tình trong như đã... Người đẹp Đỗ Thị Bính cũng hiểu được tình cảm của cậu công tử con ông Nguyễn Văn Vĩnh có tình ý với mình. Thế nhưng, tình thì có, nhưng duyên thì không. Nhà thơ đa tài, mệnh bạc đã sớm ra đi, ở tuổi 24 (năm 1939). Cũng năm ấy, người đẹp lên xe hoa, kết duyên với chàng trai Bùi Tường Viên khi đó vừa mới du học bên Pháp về. Bùi Tường Viên là em trai út của Luật sư nổi tiếng Bùi Tường Chiểu thời bấy giờ. 16 tuổi, Bùi Tường Viên sang Pháp du học về ngành silicat và là một kỹ sư của Việt Nam. Sau đó, Bùi Tường Viên giữ vai trò Hiệu trưởng Trường Mỹ nghệ Đông Dương (tiền thân của ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội). Cuộc kháng chiến chống Pháp nổ ra. Gia đình họ Đỗ và họ Bùi đều tham gia cách mạng. Chủ trương tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống từ năm 1946, người đẹp Đỗ Thị Bính theo chồng tản cư lên vùng Tuyên Quang, sống những ngày tháng cả nước đều dành hết sức người, sức của cho cuộc chiến tranh đòi độc lập, hoà bình dân tộc. Tại Tuyên Quang, người đẹp được bác sĩ Bùi Xuân Tám (em trai của họa sỹ Bùi Xuân Phái, sau này nguyên là giám đốc Quân Y viện 103), dạy cho cách tiêm thuốc kilofooc (một loại thuốc chống báng) để đối phó với bệnh sốt rét. Mặc dù chưa một ngày được học nghề y, thế nhưng, những năm tháng tản cư người đẹp Đỗ Thị Bính đã cứu sống cho rất nhiều người thoát khỏi căn bệnh sốt rét hiểm nghèo, trong đó có cả những người con của chính mình. Chính những năm tháng chiến tranh, trong điều kiện thiếu thốn vật chất đủ bề, mặc dù tuổi thơ được sống trong nhung lụa, thế nhưng người đẹp Đỗ Thị Bính chẳng hề xa lạ, mà nhanh chóng thích nghi với nó, đảm đương vai trò thay chồng dạy dỗ các con nên người, bởi cụ ông Bùi Tường Viên khi đó phải xa nhà tham gia cách mạng. Hoà bình lập lại. Đất nước được giải phóng. Trở về Hà Nội, bà Bính lại cùng chồng, con sống cuộc sống bình thường trong một ngôi nhà giản dị. Bà tích cực tham gia phong trào bình dân học vụ, chống giặc dốt. Từ đó cho đến khi về hưu, bà công tác tại Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng (bây giờ đổi thành quận Hai Bà Trưng). Năm 1967, một quả bom lạc vào Hà Nội, rơi trúng ngôi nhà 4 tầng của Phòng Giáo dục khu Hai Bà Trưng trên phố Huế, nơi bà công tác. Rất may, nhờ có bức tường che chắn nên bà còn sống sót. Tất cả, hơn 50 người đã bị thiệt mạng vì quả bom lạc tai họa ấy... Năm 1992, người đẹp Đỗ Thị Bính qua đời, hưởng thọ 77 tuổi. Bà đã cùng chồng đi qua cuộc chiến tranh, sống cuộc sống bình dị như biết bao người Hà Nội khác. Năm người con của bà, bây giờ cũng bước sang tuổi ngoại lục tuần, người con út, ông Bùi Tường Quân cũng đã 62 tuổi. Trong ký ức của những người con, người đẹp Đỗ Thị Bính là một giai nhân tài sắc vẹn toàn. "Ngay đến bữa ăn cùng gia đình chồng, khi nào mẹ tôi cũng là người ăn sau cùng, phục vụ cho bố mẹ chồng, chồng con ăn trước... Cho đến những ngày tháng cuối đời, bà vẫn giữ thói quen không bao giờ đến các hàng quán ngoài chợ để ăn hàng, mà nhất mực trung thành với món bún thang do tự tay mình chế biến... Chính chúng tôi sau này cũng bất ngờ, bởi không nghĩ mẹ mình đẹp đến thế. Mà, cũng may mắn những bức ảnh của mẹ tôi hồi thiếu nữ, đều do ông cậu tôi là nhà nhiếp ảnh Đỗ Huân chụp chị gái mình. Đấy là những câu chuyện thực về một trong bốn tứ mỹ Hà thành vẫn được nhắc đến như những câu chuyện huyền thoại từ trước đến giờ!", bà Bùi Thị Mai, con gái người đẹp Đỗ Thị Bính ngậm ngùi xúc động Di Linh
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:34 pm | |
| Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp: Một "ca' đặc biệt của phong trào Thơ mới Nguyễn Nhược Pháp là một "ca" đặc biệt trong các thi nhân thành danh thời tiền chiến: Đoản thọ nhất (khi mất mới 24 tuổi, chưa lập gia đình), thơ in ít nhất (chỉ chừng mươi bài, tập trung ở tập "Ngày xưa"), và trong thơ thì không hề lưu giữ một chút bóng dáng cuộc đời thực của người làm thơ. Với độc giả đương thời, dù tác phẩm rất được chào đón song Nguyễn Nhược Pháp vẫn là một gương mặt xa xăm, huyền bí... Có thể ai đó sẽ xem đây là một "thiệt thòi" của Nguyễn Nhược Pháp, nhưng ngẫm kỹ lại thấy, đó chính là chỗ Nguyễn Nhược Pháp "may mắn" hơn người. Bởi cùng với thời gian, trong khi nhiều gương mặt thơ đã trở nên nhàm tẻ thì Nguyễn Nhược Pháp vẫn giữ được một khoảng cách… thánh thiện với độc giả. Thơ ông vẫn trọn vẹn một thứ ánh sáng thuần khiết, không lấm bụi trần. Không hề quá lời khi ta cho rằng, thơ Nguyễn Nhược Pháp là một tiếng thơ vào hạng thanh tao bậc nhất của phong trào Thơ Mới 1932-1945. Trong thơ Nguyễn Nhược Pháp, hai bài được người đời nhắc đến nhiều hơn cả là " Sơn Tinh, Thủy Tinh" và " Chùa Hương". Cả hai bài đều là thơ kể chuyện, và đều rất dài (bài "Sơn Tinh, Thủy Tinh" dài 124 câu; bài "Chùa Hương" dài 136 câu). Đây là thử thách không nhỏ đối với những tác giả không có trí tưởng tượng phong phú, không có bút pháp cao cường, nhất là khi câu chuyện được kể đã trở nên quá quen thuộc với độc giả như truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh". Trong cuốn " Việt Nam sử lược" (được in lần thứ nhất năm 1921) của nhà sử học Trần Trọng Kim, tích truyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" ngắn gọn như sau: "Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn Tinh đến trước lấy được Mỵ Nương đem về núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây). Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn Tinh. Sơn Tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn Tinh lại dùng sấm sét đánh xuống. Thủy Tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ". Bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp cơ bản vẫn bám sát cốt truyện ấy, song ông đã đưa vào trong đó nhiều liên tưởng đẹp, từ tả cảnh, tả người đến tả tình, khiến cho câu chuyện trở nên sinh động và duyên dáng lạ thường. Có thể nói, không ở đâu ta bắt gặp một nàng Mỵ Nương đáng yêu đến vậy. Đáng yêu từ vẻ đẹp ngoại hình: Tóc xanh viền má hây hây đỏ Miệng nàng bé thắm như san hô Tay ngà trắng nõn, hai chân nhỏđến cách thể hiện cảm xúc (nghĩ vì mình mà xảy ra cuộc chiến khốc liệt giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh): Mỵ Nương kinh hãi ngồi trong kiệu Bỗng chợt nàng kêu mắt lệ nhòa (Giọng kiêu hay buồn không ai hiểu, Nhưng thật dễ thương): "Ô! Vì ta!".Nếu tinh ý, bạn đọc có thể nhận thấy từ hình thức tới cách thể hiện nội tâm, nàng Mỵ Nương của Nguyễn Nhược Pháp ít nhiều đã được "hiện đại hóa". Có lẽ vì vậy mà nàng trở nên hấp dẫn và đáng yêu hơn chăng? Cũng vậy, thật khó tìm được ở đâu một vị Vua Hùng gần gũi với cuộc sống đương đại và đáng yêu hơn vị vua mà Nguyễn Nhược Pháp đã xây dựng nên trong "Sơn Tinh, Thủy Tinh": Hùng Vương thường nhìn con yêu quá Chắp tay ngẩng lên giời tạ ânLàm vua mà chốc chốc lại ngắm nhìn con rồi chắp tay tạ ơn trời thì quả là vị vua quá đỗi đáng yêu. Càng đáng yêu hơn là cái nhìn âu yếm, nụ cười hóm hỉnh, đôn hậu của vua khi thấy bên cửa thành, hai thần Sơn Tinh, Thủy Tinh đang thực hiện "thi lễ": Hùng Vương âu yếm nhìn con yêu Nhưng có một nàng mà hai rể Vua cho rằng thế cũng hơi nhiều.Bao nhiêu hóm hỉnh được ẩn giấu trong hai chữ "hơi nhiều" mang khẩu ngữ đời thường này, nó khiến tâm tình của vua càng thêm gần gũi với chúng ta nay. Việc tác giả để Hùng Vương nghĩ về chuyện nhân duyên của con gái "Vua nghĩ lâu hơn bàn việc nước" cũng khiến nhân vật càng trở nên gần gũi, “đời thường” hơn. Cả hai nhân vật Sơn Tinh và Thủy Tinh cũng được Nguyễn Nhược Pháp miêu tả bằng những nét dí dỏm, dễ mến. Trước tiên là về ngoại hình của hai vị. Vì Sơn Tinh là thần đất, cần phải có cái nhìn bao quát rộng lớn mới chống được thủy quái nên Nguyễn Nhược Pháp cho Sơn Tinh "có một mắt ở trán". Còn Thủy Tinh là thần nước nên Nguyễn Nhược Pháp cho Thủy Tinh "râu ria quăn xanh rì". Tư thế của hai vị thần khi xuất đầu lộ diện trước Hùng Vương để xin cưới Mỵ Nương đều rất oai hùng: "Một thần phi bạch hổ trên cạn/ Một thần cưỡi lưng rồng uy nghi". Sau khi thất bại vì chậm chân hơn Sơn Tinh, Thủy Tinh đã quyết báo thù và từ đấy, hai bên cứ mịt mù những trận chiến trời long đất lở, khiến "Tôm cá xưa nay im thin thít" cũng phải "Mở quác mồm to kêu thất thanh". Tất nhiên, khởi sự bắt đầu là từ lửa hận của Thủy Tinh. Hành động ấy, nói như Trần Trọng Kim, đã khiến "dân gian thật là cực khổ". Nhưng đấy là cách nhìn của nhà sử học. Nguyễn Nhược Pháp là một nhà thơ, ông có cách nhìn nhận sự việc theo kiểu nhà thơ. Với ông, câu chuyện "Sơn Tinh, Thủy Tinh" là câu chuyện của tình yêu, của lòng ghen nên đến kết bài, ông vẫn có cái nhìn hết sức ưu ái, đại lượng đối với Thủy Tinh: Thủy Tinh năm năm dâng nước bể Đục núi hò reo đòi Mỵ Nương Trần gian đâu có người dai thế Cũng bởi thần yêu nên khác thường.Chính cách nhìn âu yếm, pha chút bông đùa của tác giả đối với các nhân vật của mình đã khiến cho thơ của Nguyễn Nhược Pháp luôn có được sự ý nhị, hấp dẫn độc giả. Bài " Chùa Hương" với độ dài lên tới 136 câu là một dịp để tác giả thể hiện cái tài kể chuyện duyên dáng và dí dỏm... Bài thơ được viết theo thể ngũ ngôn, là thể thơ gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày nhưng cũng lại dễ trở nên tầm thường, dung tục. Sự thực thì trong các nhà Thơ Mới, không mấy người sử dụng và sử dụng thành công thể thơ này. Trong cuốn hợp tuyển "Thi nhân Việt Nam" của Hoài Thanh - Hoài Chân, số thơ ngũ ngôn được chọn (so với các thể thơ khác) đã đành là rất ít, mà số bài hay cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay (như các bài "Tiếng thu" của Lưu Trọng Lư; "Tình quê" của Hàn Mặc Tử; "Ông đồ" của Vũ Đình Liên). Cũng không bài nào trong số ấy dài quá 30 câu. Bởi vậy, có thể khẳng định, với bài thơ "Chùa Hương", Nguyễn Nhược Pháp đã lập một kỷ lục: Đó là bài thơ ngũ ngôn dài nhất trong số những bài ngũ ngôn được ghi nhận là hay của các nhà Thơ Mới. So với "Sơn Tinh, Thủy Tinh", bài thơ này cũng hoàn chỉnh hơn, câu chữ chắc chắn hơn (không câu nào non lép; không chữ nào gượng). Tất nhiên, để đạt được điều này, tác giả đã kết hợp được sự lịch lãm, sâu sắc trong nhìn nhận sự việc, sự tinh tế trong cách dẫn chuyện cũng như khả năng diễn đạt nhuần nhị, chân xác diễn biến tâm lý nhân vật… Nhân vật chính của bài thơ là một cô gái có nhan sắc nhưng tuổi còn ít và tâm tình thì rất hồn nhiên: Em tuy mới mười lăm Mà đã lắm người thăm Nhờ mối mai đưa tiếng Khen tươi như trăng rằm.
Nhưng em chưa lấy ai Vì thầy bảo người mai Rằng em còn bé lắm Ý đợi người tài trai.Tuy hồn nhiên nhưng cô là người tinh ý, biết phát hiện ra đâu là người "tài trai" hợp với mong ước của bố mẹ và của chính mình. Cô đã gặp chàng trong chuyến đi Chùa Hương năm ấy. Đang lúc "Thuyền nan vừa nhẹ bước", cô thấy một văn nhân với vóc dáng, gương vẻ ngay lập tức khiến cô rung động: "Người đâu thanh lạ nhường/ Tướng mạo trông phi thường/ Lưng cao dài, trán rộng/ Hỏi ai người không thương?". Cô gái trong bài thơ thể hiện rõ là con nhà gia giáo, thật thà mà ý tứ. Thoạt tiên, cô còn giấu tình cảm của mình, song bố mẹ cô lại không phải là người có quan niệm cổ hủ, phong kiến. Chính họ đã chủ động làm quen với chàng trai có dáng dấp văn nhân ấy: "Chàng ngồi bên me em/ Me hỏi chuyện làm quen/ Thưa thầy đi chùa ạ? Thuyền đông giời ôi chen!". Chàng trai lễ phép đáp lời. Rồi, không dừng ở đó, chàng cao hứng đọc thơ với phụ thân của cô gái, khiến ông cụ phải tấm tắc khen hay và cô gái "nghe rồi" cũng thấy "ngẩn ngơ". Từ đó, suốt cả chặng hành trình đi thăm chùa chiền, hang động, đôi bạn trẻ đã có cớ để luôn gần nhau. Cô gái, từ tâm lý ngại ngùng, giữ ý ban đầu: "Em đi, chàng theo sau/ Em không dám đi mau/ Ngại chàng chê hấp tấp/ Số gian nan không giàu", ở phần kết bài đã chuyển sang bạo dạn, công khai bộc lộ cảm xúc của mình: "Đường đây kia lên giời/ Ta bước tựa vai cười/ Yêu nhau, yêu nhau mãi/ Đi, ta đi, chàng ôi" và "Ngun ngút khói hương vàng/ Say trong giấc mơ vàng/ Em cầu xin Giời Phật/ Sao cho em lấy chàng". Chính sự chủ động trong việc tìm kiếm tình yêu cũng như sự quyết liệt trong việc bảo vệ tình yêu của cô gái đã khiến thi phẩm "Chùa Hương" bứt lên khỏi một bài thơ thù tạc, kể chuyện dông dài để trở thành một khúc tráng ca đặc sắc ca ngợi sức mạnh của tình yêu. Và, mặc dù bài thơ được tác giả sáng tác đến nay đã gần 80 năm (từ năm 1934), song ngôn ngữ của nhân vật đọc lên vẫn cứ tươi mới, sinh động, như không hề có dấu vết của thời gian vậy. Nhân nói về thái độ của Nguyễn Nhược Pháp đối với các nhân vật của mình, nhà phê bình văn học Hoài Thanh đã có một nhận xét: "Người nhìn đời như một ông già nhìn đàn trẻ con rất ngộ nghĩnh mà cũng rất dễ yêu, mặc dầu người vẫn còn trẻ lắm". Riêng tôi, mỗi lần đọc Nguyễn Nhược Pháp, tôi thường liên hệ tới nhà viết truyện cổ tích đại tài người Đan Mạch Andersen. Tương truyền, đó là người trong đời từng phải chạy trốn tình yêu để giữ cho tâm hồn mình sự trong trẻo, thuần phác, đặng từ đó thêu dệt nên những câu chuyện cổ tích kỳ thú thơ mộng dâng tặng bạn đọc khắp thế gian. Nguyễn Nhược Pháp, có lẽ nào để viết chuyện "Ngày xưa", ông không phải hy sinh một phần hạnh phúc của đời thực? Phạm Khải
| |
| | | Ngao_0p Chế rượu
Tổng số bài gửi : 1056 Points : 1144 Thanks : 17 Join date : 05/11/2011
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp Tue Nov 29, 2011 3:39 pm | |
| Lời bình bài " Chùa Hương" của Nguyễn Nhược PhápĐây là một bài thơ hay, có nhiều chi tiết và câu chữ thần tình, nhưng vì nó quá dài nên khó có thể bám sát từng câu chữ để phân tích. Mà xem ra cũng không nhất thiết phải làm như thế. Bởi tất cả ở đâu đều sáng rõ, người đọc bình thường nhất cũng thấy được cái hay của nó. Bởi vậy, công việc bình ở đây có lẽ chỉ cần gọi tên ra được một vài đặc thù chính đã khiến cho bài thơ có được một chỗ đứng trên thi đàn, được người đọc nhiều thế hệ yêu mến và chắc chắn còn sống với thế kỷ sắp tới. Theo thiển ý của tôi, nét đặc thù trước hết của Chùa Hương chính là ở chỗ đây là một bài thơ kể chuyện, hay có thể gọi đây là một truyện thơ nho nhỏ. Cái hay của bài thơ vì thế trước hết cũng nằm trong tính truyện của nó. Tất cả ở đây đều được nhìn qua đôi mắt của người kể chuyện: đấy là một cô gái "ngày xưa", con nhà gia giáo và đang ở tuổi mới lớn. Toàn bộ cách cảm, cách nghĩ và lời ăn tiếng nói đều mang rõ dấu ấn và bộc lộ tính cách của nhân vật này. Đó là cái nhìn hồn nhiên, ngơ ngác của người lần đầu đi chơi xa mà lại là đi hội, một lễ hội rất hấp dẫn - hội chùa Hương: Em đi cùng với me Me em ngồi cáng tre. Thầy theo sau cưỡi ngựa Thắt lưng dài đỏ hoe. Người đọc, nhất là những thế hệ sau này, có cái thú là được sống lại, nói đúng hơn là được khám phá lại một cuộc sống đã lùi vào dĩ vãng, không chỉ về cảnh sắc, phong tục mà đến cả tâm lý, tâm hồn của lớp người xưa: Khăn nhỏ, đuôi gà cao Em đeo dải yếm đào Quần lĩnh, áo the mới Tay cầm nón quai thao. - Em tuy mới mười lăm Mà đã lắm người thăm Nhờ mối mai đưa tiếng Khen tươi như trăng rằm Đó còn là cái ngây thơ đáng yêu của lứa tuổi già trẻ con non người lớn: Sau núi Oản, Gà, Xôi Bao nhiêu là khỉ ngồi Tới núi con voi phục Có đủ cả đầu đuôi Và nhất là câu này: "Lên cửa chùa em thấy/Hơn một trăm ăn mày - đúng là cách cân đong đo đếm tò mò kiểu trẻ em. Còn với mấy câu sau đây. Em đi, chàng theo sau Em không dám đi mau Ngại chàng chê hấp tấp Số gian nan không giàu. thực như vẽ ra trước mắt ta tính cách của nhân vật trong bối cảnh của nó, khiến người đọc không nén được một nụ cười thích thú và cảm mến. Và cứ lần theo mạch chuyện được nhân vật kể lại hết sức chân thực và hồn nhiên đến ngộ nghĩnh, ta dần dà bị cuốn vào thế giới tâm tình rất đỗi đáng yêu và thú vị của cô gái, không chỉ trong các chi tiết về phong cảnh và lễ hội, mà quan trọng hơn nhiều là mối tình mới nhóm trong lòng cô gái dành cho chàng văn nhân "tướng mạo trông phi thường", một mối tình đầy chất sét đánh, đến ngay vào tuổi đầu đời lại diễn ra giữa một cảnh trí nên thơ và say lòng hiếm có. Có thể nói, người kể chuyện đã dựng dậy tất cả biểu hiện vừa diễn ra rất nhanh, nhưng vẫn rất có trật tự, lớp lang của một quá trình của một cảm xúc tình yêu. Kể ra thì dài dòng, nhưng tựu trung là câu chuyện gồm hết các cung bậc tình cảm; từ ngạc nhiên cảm mến, đến bất chợt "ngẩn ngơ", từ một thứ cảm tình tựa như duyên số không thể cắt nghĩa, đến nhận thứ lý tính "Chàng cũng cho như thế/Ra ta hợp tâm đầu", từ niềm vui thầm khấp khởi khi lửa tình mới nhóm: Đêm hôm ấy em mừng! Mùi trầm hương bay lừng. Em nằm nghe tiếng mõ Rồi chim kêu trong rừng. (Còn nhớ, trong một lần bình giảng bài thơ này cho sinh viên khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, nhà phê bình Hoài Thanh đã lưu ý đến cái âm "ừng" với dấu huyền cuối mấy câu trên nó gợi về một cảm xúc gì đó vừa đang dâng lên, lại vừa như bị nén lại trong lòng - đọc kỹ, ta sẽ cảm thấy lời bình là có lý); và, cho đến cuối cùng, như một tất yếu trong tình yêu, một nỗi buồn da diết đã chờ sẵn ở cuối đường: Em nghe bỗng rụng rời! Nhìn ai luống nghẹn lời! Giờ vui đời có vậy Thoảng ngày vui qua rồi! Hình như đó là một thứ định mệnh khắc nghiệt cho mọi thứ gì quá đẹp, cũng chẳng nên đổ tại một nguyên nhân xã hội hay ngoại cảnh nào - từ thuở nàng Kiều "bây giờ rõ mặt đôi ta/ biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao" cho đến Huy Cận của Thơ Mới "chân hết đường thì lòng cũng hết yêu" và đến tận Xuân Quỳnh sau bao năm cách mạng "lời yêu mỏng manh như mầu khói/ai biết lòng anh có đổi thay"... Tình yêu là thế và thân phận con người là thế", thôi đừng trách lẫn trời gần trời xa". Nhưng trong thất vọng tột cùng, con người vẫn không tuyệt vọng, con người vẫn tin rằng bằng sức mình rồi ra vẫn có thể giành lại được một chút gì, và họ còn tin hơn vào một lẽ công bằng hóa thân trong Giời Phật: Ngun ngút khói hương vàng Say trong giấc mơ màng Em cầu xin Giời Phật Sao cho em lấy chàng Và chàng thi sĩ cũng đang tuổi măng tơ đã theo dõi từng bước đi của nhân vật của mình với mối thiện cảm không giấu giếm đã thay đấng Hóa công làm việc ấy, chàng dành cho cô lời tiên đoán kết cục vui vẻ, nghịch ngợm và có duyên đến nỗi mấy lời chú thích ấy đã thành ra một bộ phận không thể tách rời của bài thơ! "Văn tức là người" - chỉ với một bài thơ xinh xắn và có duyên như bài thơ này, thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp đã khiến hậu thế yêu mến chàng biết chừng nào, nhất là khi ta biết chàng trai đa tài, đa cảm và tinh tế nhường ấy lại phải giã biệt cõi đời quá sớm, đến nỗi những bậc thức giả nghiêm ngắn như các tác giả Thi nhân Việt Nam cũng phải ngậm ngùi thốt lên: "người mất năm hai mươi bốn tuổi, lòng trong trắng như hồi còn thơ". Nhà thơ Anh Ngọc
| |
| | | Sponsored content
| Tiêu đề: Re: Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp | |
| |
| | | | Thi sĩ đoản mệnh Nguyễn Nhược Pháp | |
|
Trang 1 trong tổng số 1 trang | |
Similar topics | |
|
| Permissions in this forum: | Bạn không có quyền trả lời bài viết
| |
| |
| |